Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% năm 2024
Trong năm 2024, Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 5% và cam kết thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm đạt được mục tiêu trong bối cảnh quốc gia này tìm cách duy trì đà tăng trưởng vượt tích cực của năm 2023 trước đó.
Theo Straits Times, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2024 được Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đưa ra trong báo cáo công việc của chính phủ khi khai mạc phiên họp thứ 2 của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) lần thứ 14 diễn ra ngày 5/3. Mục tiêu này ngang bằng với mục tiêu đưa ra trong năm 2023 trước đó.
Cũng trong năm nay, báo cáo còn cho biết chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm mới ở thành thị với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến là khoảng 5,5%. Các nhà hoạch định chính sách cũng kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 3% - mức tăng dự kiến tương tự như mục tiêu của năm 2023. Chi tiêu quân sự sẽ tăng lên 231,9 tỷ USD trong năm 2024, mức tăng 7,2%, tương tự như năm 2023.
Công bố báo cáo tại Đại lễ đường Nhân dân, ông Lý Cường cho biết: “Khi thiết lập tốc độ tăng trưởng ở mức khoảng 5%, chúng tôi đã tính đến nhu cầu thúc đẩy việc làm và thu nhập cũng như nhu cầu ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro”.
Theo ông, tốc độ tăng trưởng này cũng cũng tính đến tiềm năng tăng trưởng và các điều kiện hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời phản ánh yêu cầu theo đuổi sự tiến bộ và nỗ lực thực hiện. Do đó, nó phù hợp với các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu cơ bản thực hiện hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế đang đặt ra câu hỏi về khả năng Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 vì điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 2/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay do nhu cầu xuất khẩu yếu và sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản.
Bản thân Thủ tướng Lý Cường trong báo cáo cũng nhận định việc đạt được các mục tiêu của năm 2023 “sẽ không dễ dàng”. Ông cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài 3 năm, nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước vẫn chưa được giải quyết”. Những vấn đề này bao gồm sự sụt giảm đang diễn ra trên thị trường bất động sản, nhu cầu toàn cầu suy yếu và nợ chính quyền địa phương cao.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang “phải đối mặt với cả áp lực về tạo việc làm nói chung và các vấn đề về cơ cấu việc làm” trong khi “một số chính quyền cấp cơ sở đang gặp khó khăn về tài chính”.
Tuy nhiên, ông khẳng định chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, hãng tin Tân Hoa Xã báo cáo cho biết chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng sẽ được tiếp tục vào năm 2024. Một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay cũng đã được công bố, bao gồm 541,7 tỷ USD trái phiếu chuyên dùng cho chính quyền địa phương và phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn.
Báo cáo cũng cam kết giải quyết cả triệu chứng và nguyên nhân cốt lõi để giảm thiểu rủi ro trong bất động sản, nợ chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ nhằm bảo vệ sự ổn định kinh tế và tài chính tổng thể.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ triển khai chương trình kéo dài một năm nhằm kích thích tiêu dùng và đưa ra các chính sách thúc đẩy tiêu dùng kỹ thuật số và thân thiện với môi trường. Nước này cũng sẽ tăng cường đầu tư hiệu quả thông qua việc dành 97,2 tỷ USD để đầu tư trong ngân sách trung ương.
Một loạt nhiệm vụ nhằm hiện đại hóa hệ thống công nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng với tốc độ nhanh hơn được nêu trong báo cáo,trong đó bao gồm cải tiến và nâng cấp chuỗi cung ứng và công nghiệp cũng như phát triển các ngành công nghiệp mới nổi và các ngành công nghiệp định hướng tương lai như năng lượng hydro, vật liệu mới, sản xuất sinh học, các chuyến bay thương mại vào vũ trụ, công nghệ lượng tử và khoa học đời sống.