Trung Quốc đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu thanh

Vũ khí siêu thanh với ưu điểm tốc độ cao, linh hoạt, khó bị phát hiện và đánh chặn đang khiến Mỹ - cường quốc sở hữu hệ thống phòng thủ tiên tiến phải đau đầu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu thanh.

Các quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng Trung Quốc đang vượt Nga trong việc phát triển tên lửa siêu thanh và có thể đã chế tạo được vũ khí có khả năng tấn công các cơ sở của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Mối đe dọa “không thể ngăn chặn”

Vào ngày 10/3, trưởng nhóm chuyên gia về khoa học và công nghệ của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) nói với các nhà lập pháp nước này rằng, Trung Quốc và Nga đã thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh và có thể đã triển khai các hệ thống tác chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang vượt xa Nga về cơ sở hạ tầng hỗ trợ và số lượng hệ thống vũ khí.

Tên lửa siêu thanh tầm trung Dongfeng-17 (DF-17) của Trung Quốc.

Tên lửa siêu thanh tầm trung Dongfeng-17 (DF-17) của Trung Quốc.

Paul Freisthler - Trưởng nhóm chuyên gia khoa học của bộ phận phân tích thuộc DIA đã báo cáo với Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ rằng, Trung Quốc thông qua việc đầu tư, phát triển, thử nghiệm, triển khai... đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển công nghệ và năng lực tên lửa siêu thanh thông thường và tên lửa trang bị hạt nhân.

Freisthler tiết lộ, Học viện Công nghệ Khí động học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc hiện đang sử dụng ít nhất ba đường hầm gió siêu thanh với tốc độ vận hành lần lượt là Mach 8, 10 và 12 (Mach 1 có tốc độ tương đương 1.235 km/h) để thử nghiệm các tên lửa siêu thanh mà nước này phát triển.

Thậm chí, theo South China Morning Post, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng đường hầm gió sốc điều khiển dạng piston lớn nhất thế giới ở Tứ Xuyên vào năm 2022. Cơ sở này có thể mô phỏng các điều kiện bay ở tốc độ Mach 33 (tương đương 11,5 km/giây, gấp 33 lần tốc độ âm thanh) nhằm phục vụ cho các chương trình vũ trụ và nghiên cứu vũ khí siêu thanh.

Các tên lửa siêu thanh - có khả năng di chuyển với tốc độ lớn hơn 5 lần tốc độ âm thanh, tấn công mục tiêu trong chớp mắt và hầu như không còn thời gian để mục tiêu phòng thủ. Cùng với tốc độ cao thì những điểm mạnh như tính hiệu quả, chính xác khiến tên lửa siêu thanh được coi là “không thể ngăn chặn” trên chiến trường hiện đại.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội và Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc được cho là đang hoạt động hai cơ sở nghiên cứu vũ khí siêu thanh với ít nhất 21 đường hầm gió.

Những bước tiến của Trung Quốc trong phát triển vũ khí siêu thanh

Vào tháng 7/2021, trong một cuộc thử nghiệm, vũ khí siêu thanh DF-17 của Trung Quốc đã thể hiện khả năng bay vòng quanh Trái Đất. Sự kiện này đã khiến một quan chức quốc phòng nổi tiếng của Mỹ liên tưởng tới thời điểm các cường quốc bắt đầu cuộc chạy đua vũ trụ vào những năm 1950.

DF-17 là tên lửa đạn đạo tầm trung quan trọng đối với kho vũ khí siêu thanh của Trung Quốc. Với tầm bắn lên tới 2.500 km, tên lửa có thể được bắn từ bệ phóng di động. DF-17 có thể được phóng như một hệ thống gắn thiết bị bay bội siêu thanh (HGV)từ một tên lửa đẩy tiêu chuẩn.

Trung Quốc còn sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, được trang bị động cơ lượn siêu thanh. Theo truyền thông Trung Quốc, tên lửa DF-41 có thể mang theo khoảng 10 đầu đạn hạt nhân có thể nhắm mục tiêu độc lập với phạm vi hoạt động hơn 14.000 km, khiến nó có khả năng tấn công bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất.

Bắc Kinh cũng sở hữu mẫu máy bay siêu thanh Starry Sky-2, có thể vận chuyển tên lửa hạt nhân với tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh).

Vào tháng 4/2022, Trung Quốc công bố đoạn video quay cảnh tàu khu trục Type 055 - tàu khu trục lớn và hiện đại nhất của lực lượng hải quân nước này phóng tên lửa YJ-21. Tên lửa YJ-21 bay với vận tốc Mach 6 trong gần như toàn hành trình và đạt vận tốc giai đoạn cuối là Mach 10. Với tốc độ tương đương 12.250km/h, Trung Quốc tuyên bố không hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào có thể ngăn chặn YJ-21. Ngay cả khi YJ-21 không sử dụng đầu đạn nổ, nó cũng có thể khiến mục tiêu chịu tổn thất nghiêm trọng.

Bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng sở hữu hệ thống vũ khí siêu thanh mạnh mẽ với Kinzhal - có tầm bắn khoảng 2.000 km, có thể đạt vận tốc Mach 10; tên lửa lượn siêu thanh Avangard với tầm bắn hơn 6.000 km, tốc độ tối đa Mach 20; tên lửa siêu thanh Zircon phóng từ tàu chiến có tầm bắn 1.000 km, tốc độ tối đa Mach 8…

Trước động thái của Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ cũng đang nghiên cứu nhiều loại vũ khí siêu thanh khác nhau nhưng dường như tất cả vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc phát triển, điển hình là chương trình AGM-18.

Theo Reuters, Lầu Năm Góc (10/2022) cho biết đã thử nghiệm thành công nhiều vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, trái ngược với Trung Quốc và Nga, các quan chức đã tuyên bố rằng Mỹ không có ý định trang bị đầu đạn hạt nhân cho bất kỳ vũ khí siêu thanh nào của mình.

Mặc dù Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks (8/2022) đã bác bỏ nhận định rằng nước này đang lạc hậu so với Nga và Trung Quốc về vũ khí siêu thanh, song giới chức Mỹ vẫn lo ngại việc Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí siêu thanh để tấn công máy bay chiến đấu của Mỹ và các căn cứ ở Nhật Bản hoặc đảo Guam; thậm chí, có thể bất ngờ tấn công các tàu sân bay trị giá hàng tỷ USD của Mỹ và vô hiệu hóa các hoạt động của chúng trong khu vực. Theo các chuyên gia quân sự, lỗ hổng này có thể khiến những tàu sân bay khổng lồ của Mỹ trở nên lỗi thời. Đáng lo ngại hơn, Mỹ dường như đang ở vào thế bị động trước vũ khí siêu thanh của Nga, và giờ đây là Trung Quốc.

Thành Nam (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/trung-quoc-day-manh-phat-trien-ten-lua-sieu-thanh-i687195/