Trung Quốc dẹp nạn camera quay lén, livestream mọi lúc trong khách sạn
Nhiều tháng sau vụ camera giấu kín bị phát hiện trong phòng khách sạn gây rúng động, Trung Quốc đã công bố các quy định mới cấp quốc gia về quản lý giám sát bằng video.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51457519/373c08b13fffd6a18fee.jpg)
Tháng 9/2024, một phụ nữ bị sốc khi tìm thấy chiếc camera giấu trong ống dẫn điều hòa không khí tại phòng khách sạn của cô ở Baotou, thuộc Khu tự trị Nội Mông.
Các hashtag liên quan đến vụ án thu hút một triệu lượt xem trên nền tảng Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) và làm dấy lên cuộc tranh luận về quản lý thiết bị giám sát như camera tại không gian riêng tư.
Tháng 11 cùng năm, loạt phóng sự của đài truyền hình Trung Quốc CCTV vạch trần một thị trường chợ đen có tổ chức của những kẻ chuyên quay lén trong khách sạn và bán chúng ra ngoài.
![Vụ camera quay lén, phát livestream trong khách sạn gây chấn động Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: CCTV.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51457519/998eda03ed4d04135d5c.jpg)
Vụ camera quay lén, phát livestream trong khách sạn gây chấn động Trung Quốc vào năm ngoái. Ảnh: CCTV.
Theo đó, những kẻ phạm tội gắn camera quay lén, sau đó bán quyền truy cập cho khách hàng vào các luồng phát trực tiếp ở hàng trăm khách sạn.
Nhiều tháng sau các vụ camera giấu kín trong phòng khách sạn gây rúng động, chính phủ Trung Quốc đã công bố quy định mới cấp quốc gia về quản lý giám sát bằng camera, Sixth Tone đưa tin.
Các quy định được công bố chính thức vào ngày 10/2 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4, nêu rõ nơi nào cấm lắp đặt camera, cách sử dụng cảnh quay đã thu thập và trách nhiệm thực thi của các cơ quan quản lý khác nhau.
Theo quy định mới, các công ty và cá nhân bị cấm lắp đặt camera ở bất kỳ vị trí nào có thể được sử dụng để nghe lén hoặc vi phạm quyền riêng tư, bao gồm khách sạn, phòng thay đồ và nhà vệ sinh.
Những người vi phạm phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 20.000 nhân dân tệ (2.700 USD), bị đình chỉ kinh doanh và có khả năng bị truy tố hình sự.
Các quy định cũng yêu cầu chủ doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra những khu vực nhạy cảm trong phạm vi quản lý của mình. Việc không thực hiện trách nhiệm này có thể dẫn đến sự can thiệp của cơ quan an ninh công cộng.
Trung Quốc lần đầu công bố dự thảo quy định về giám sát bằng camera để lấy ý kiến người dân vào tháng 11/2016, nhưng tiến độ bị đình trệ cho đến tháng 4 năm ngoái, khi Bộ Công an công bố dự thảo cập nhật.
Trong thời gian trì hoãn, một số chính quyền địa phương đã đưa ra quy định riêng về thiết bị giám sát, như thành phố Chu Châu vào tháng 3/2024 và tỉnh Quảng Đông vào đầu năm nay.
Theo một tuyên bố chính thức được công bố cùng với dự thảo luật vào năm ngoái, các quy định mới này nhằm giải quyết những lỗ hổng trong luật hiện hành, bao gồm Luật An ninh mạng và Luật An ninh dữ liệu, vốn thiếu các điều khoản cụ thể để quản lý hệ thống camera công cộng.
![Luật mới cam kết quản lý việc giám sát bằng camera. Ảnh: VCG.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_119_51457519/94f9db74ec3a05645c2b.jpg)
Luật mới cam kết quản lý việc giám sát bằng camera. Ảnh: VCG.
Những chiếc camera nhỏ dùng để nghe lén là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng cuộc điều tra năm 2024 của một hãng truyền thông lớn đã phát hiện ra rằng chúng được bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao và JD.com.
Liu Xingliang, thành viên Ủy ban chuyên gia về kinh tế thông tin và truyền thông tại Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, phát biểu với truyền thông hôm 11/2 rằng quy định mới sẽ tăng cường bảo vệ quyền riêng tư.
"Đây là phản ứng mạnh mẽ trước tình trạng sử dụng sai mục đích thiết bị giám sát ở nhiều nơi, đặc biệt là liên quan đến việc theo dõi quá mức đời tư của người dân", Liu cho biết.
Nhưng Liu cũng lưu ý đến nhu cầu về các quy tắc tốt hơn liên quan đến cảnh quay camera ở nơi công cộng.
"Trong giai đoạn tiếp theo, tôi khuyến nghị tăng cường tính minh bạch liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và sử dụng cảnh quay video an ninh công cộng. Bằng cách thiết lập một cơ chế rõ ràng để công khai, người dân sẽ hiểu được dữ liệu nào đang được thu thập, cách chúng được sử dụng và thời gian lưu giữ dữ liệu đó", Liu nhấn mạnh.