Trung Quốc định xây nhà hình quả trứng bằng kỹ thuật ghép mộng gỗ trên Mặt Trăng
Sau khi đưa những viên gạch mô phỏng đất Mặt Trăng đầu tiên lên trạm vũ trụ bằng tàu Thiên Châu-8, các nhà khoa học Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một ngôi nhà hình quả trứng trên Mặt Trăng dựa trên kỹ thuật ghép mộng gỗ truyền thống trong tương lai.
Thông tin trên được viện sĩ Đinh Liệt Vân (Ding Lieyun), nhà khoa học trưởng của Trung tâm Đổi mới công nghệ xây dựng kỹ thuật số Quốc gia, cũng là người đứng đầu chương trình phát triển gạch đất Mặt Trăng, tiết lộ mới đây trong một chương trình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Nhà khoa học này cho biết, nhóm của ông đã tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau về hình dạng căn cứ của Trung Quốc trên Mặt Trăng trong tương lai, gồm cấu trúc mái vòm, cấu trúc vòm và thiết kế cột, để đảm bảo chúng phù hợp với môi trường bề mặt Mặt Trăng và dễ xây dựng.
Ông gọi việc xây dựng trên Mặt Trăng là một “siêu công trình” đầy thách thức, do điều kiện môi trường khắc nghiệt, như vật liệu tại chỗ hạn chế, không có nước lỏng, trọng lực thấp, nhiệt độ dao động trên 300 độ C giữa ngày và đêm hay mỗi năm xảy ra khoảng 1.000 trận động đất từ 2-3 độ.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chọn cấu trúc mái vòm hai tầng, gọi là “Hũ Mặt Trăng” (Lunar pot) cho căn cứ tương lai, với 12 thông số thiết kế, đáp ứng yêu cầu về không gian tối đa, ứng suất tối thiểu và cách nhiệt, đồng thời nhẹ và sử dụng ít vật liệu.
Theo viện sĩ Đinh Liệt Vân mô tả, hình dạng của ngôi nhà giống như một quả trứng thẳng đứng, bên trong được chia thành hai tầng, gồm khu làm việc và khu nghỉ ngơi.
Lấy cảm hứng từ kết cấu ghép mộng truyền thống - phương pháp ghép gỗ với một thanh gỗ lồi (mộng) và một thanh gỗ lõm (lỗ mộng), để hai thanh gỗ có thể kết hợp vừa khít với nhau thường được sử dụng trong nghề mộc truyền thống ở Trung Quốc, nhóm của viện sĩ Đinh Liệt Vân đã đề xuất nung gạch Mặt Trăng theo kết cấu như vậy.
Hiện nay, những viên gạch này đang ở trên trạm vũ trụ Thiên Cung sau khi được đưa lên bằng tàu chở hàng Thiên Châu-8 hồi giữa tháng và sẽ trải qua các thí nghiệm bên ngoài không gian để xác minh xem liệu chúng có thể được sử dụng để xây dựng các công trình trên Mặt Trăng hay không.
Ông Đinh Liệt Vân cho biết: “Các viên gạch phải được treo bên ngoài khoang thí nghiệm Vấn Thiên để tiến hành các thử nghiệm lộ thiên thông qua tác động của tia vũ trụ, cũng như môi trường sốc nhiệt giữa nhiệt độ thấp dưới âm 100 độ C và nhiệt độ cao trên 100 độ C. Cứ liên tục như vậy để xem chúng xuống cấp ra sao.”
Sau khi hoàn thành các thí nghiệm, viên gạch đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại Trái Đất vào cuối năm 2025.
Là thiên thể ngoài Trái Đất duy nhất con người từng đặt chân tới, Mặt Trăng luôn là tâm điểm trong các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học. Trên thế giới, các cường quốc không gian đã công bố nhiều kế hoạch trung và dài hạn cho sự hiện diện của con người tại đây. Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Đó là đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030 và xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng vào năm 2035.