Trung Quốc dọa trả đũa nếu Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Hôm qua, Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa vụ bán vũ khí mới nhất của Mỹ cho Đài Loan. Trong khi đó, các cuộc tập trận tên lửa ở biển Đông và những hạn chế về hàng không được nói là lý do khiến một máy bay Đài Loan bị từ chối vào không phận Hong Kong.
Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã tăng cường hỗ trợ Đài Loan thông qua việc bán vũ khí và các chuyến thăm của các quan chức cấp cao, làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã ở mức cao bởi những bất đồng về biển Đông, Hong Kong, nhân quyền và thương mại.
Bắc Kinh, luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ, đã gia tăng sức ép với hòn đảo này bằng nhiều cách, bao gồm cả việc cho máy bay chiến đấu bay qua đường trung tuyến nhạy cảm trên eo biển Đài Loan, vốn thường được coi là vùng đệm không chính thức.
Đáp lại việc Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua chủ trương bán số vũ khí trị giá 1,8 tỷ USD cho Đài Loan, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo hàng ngày rằng thương vụ này nên dừng lại.
Việc mua bán “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, gửi một tín hiệu sai nghiêm trọng tới các lực lượng đòi độc lập Đài Loan và gây thiệt hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Mỹ, hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, ông Triệu được Reuters dẫn lời.
Ông nói thêm: “Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng chính đáng và cần thiết tùy theo diễn tiến tình hình”.
Ông Triệu không cho biết chi tiết, nhưng trước đây Trung Quốc đã trừng phạt các công ty Mỹ vì bán vũ khí cho Đài Loan, mặc dù không rõ họ đã thực hiện theo hình thức nào.
Gói vũ khí mới nhất của Mỹ bao gồm các cảm biến, tên lửa và pháo, và các loại khí tài khác, theo dự kiến sẽ được thông báo tới quốc hội, có thể bao gồm máy bay không người lái do General Atomics chế tạo và tên lửa chống hạm Harpoon phiên bản phóng từ đất liền do Boeing sản xuất, dùng phòng thủ bờ biển.
Tại Đài Bắc, lãnh đạo cơ quan quân sự Đài Loan Nghiêm Đức Phát cảm ơn Mỹ và nói số vũ khí này nhằm giúp Đài Loan cải thiện khả năng phòng thủ để đối phó với “mối đe dọa của kẻ thù và tình hình mới”.
“Việc này nâng cao năng lực chiến đấu và khả năng tác chiến phi đối xứng để củng cố quyết tâm tự vệ của chúng tôi,” ông nói thêm.
“Điều này cho thấy tầm quan trọng của Mỹ đối với an ninh ở Ấn Độ Dương và eo biển Đài Loan. Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố quan hệ đối tác an ninh với Mỹ ”. Ông Nghiêm nói Đài Loan không tìm kiếm sự đối đầu.
“Chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xây dựng các năng lực theo đúng khái niệm chiến lược là nặng về răn đe, bảo vệ vị trí và nhu cầu phòng thủ ”.
Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn đã ưu tiên hiện đại hóa quân sự khi đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc đang gia tăng, đặc biệt là khả năng “chiến tranh phi đối xứng”, có nghĩa là làm cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc trở nên khó khăn và tốn kém.
Máy bay Ðài Loan bị từ chối vào không phận Hong Kong
Các cuộc tập trận tên lửa ở biển Đông và những hạn chế về hàng không là lý do khiến một máy bay Đài Loan bị từ chối vào không phận Hong Kong hồi tuần trước.
“Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận tên lửa đất đối không ở biển Đông vào sáng thứ Năm khi máy bay Đài Loan đang hướng đến quần đảo Đông Sa”, một nguồn tin quân sự ở Bắc Kinh nói với SCMP, Đông Sa là cách Trung Quốc gọi nhóm ba đảo san hô có tên quốc tế là Pratas, hiện do Đài Loan kiểm soát.
Chuyến bay của UNI Air buộc phải quay lại khi các nhà chức trách hàng không dân dụng của Hong Kong thông báo rằng có “các hoạt động nguy hiểm” đang diễn ra dưới độ cao 8.000m, trong khi chiếc ATR-72 có trần bay không quá 7.600m.
Sau khi vụ việc xảy ra, ông Nghiêm Đức Phát bác bỏ lời giải thích do Hong Kong đưa ra, nói rằng không có hoạt động quân sự nào ở khu vực tại thời điểm đó và kêu gọi không “phá vỡ trật tự hàng không quốc tế”.