Trung Quốc đưa heo vào 'khách sạn' cao tầng để chống dịch tả châu Phi

Hàng loạt công ty thực phẩm Trung Quốc đưa heo vào các khu chăn nuôi cao tầng hiện đại để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi.

Theo Bloomberg, thành phố Gia Hưng (tỉnh Chiết Giang) có một trang trại chăn nuôi heo cao 13 tầng với thiết kế tương tự một tòa chung cư, mỗi tầng đều được gắn camera an ninh dày đặc. Tòa nhà được trang bị hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, heo được chăm sóc với chế độ ăn uống riêng biệt.

Đây là hướng đi mới của các nhà sản xuất thịt heo tại Trung Quốc - nguồn cung thịt chủ yếu ở quốc gia 1,4 tỷ dân - để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Hai năm trước, căn bệnh nguy hiểm này đã xóa sổ 50% tổng số heo ở Trung Quốc.

Hàng loạt tập đoàn thực phẩm lớn ở Trung Quốc - bao gồm Muyuan Foods và New Hope Group - ồ ạt xây dựng các "khách sạn cho heo", những trang trại chăn nuôi theo mô hình nhà cao tầng với sức chứa lên đến 10.000 con. Chuyên gia Rupert Claxton thuộc hãng tư vấn Gira (Mỹ) cho biết doanh nghiệp Trung Quốc hỏi hỏi mô hình chăn nuôi hiện đại của Mỹ và châu Âu.

 Trang trại chăn nuôi heo theo mô hình nhà cao tầng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trang trại chăn nuôi heo theo mô hình nhà cao tầng ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Năm 2018, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát dữ dội ở Trung Quốc, giết chết khoảng 200 triệu con heo, đẩy giá thịt heo tăng cao kỷ lục. Lạm phát Trung Quốc vọt lên mức cao nhất trong 8 năm. Chính quyền Trung Quốc buộc phải xả thịt đông lạnh từ kho dự trữ chiến lược để bình ổn thị trường.

Sau đó, Bắc Kinh công bố các quy định nông nghiệp mới, yêu cầu chuyển đổi chăn nuôi heo từ các trang trại thiếu điều kiện vệ sinh sang mô hình công nghiệp hóa quy mô lớn. Hiện giá thịt heo Trung Quốc đã giảm mạnh, tuy nhiên mối đe dọa virus vẫn tồn tại. Từ đầu năm đến nay, nước này phát hiện 11 ổ dịch tả lợn châu Phi và tiêu hủy hơn 2.000 con lợn.

Từ năm 2020, khoảng 57% nguồn cung thịt heo Trung Quốc đến từ các trang trại có khả năng cung cấp hơn 500 con mỗi năm. Trước dịch tả lợn châu Phi, chỉ 1% nguồn thịt heo đến từ các nhà cung cấp lớn.

New Hope Group mới đây hoàn tất xây dựng 3 tòa nhà 5 tầng trên khu đất có diện tích 140.000 m2 ở phía đông Bắc Kinh. Cơ sở này đủ sức cung cấp 120.000 con lợn/năm. Trang trại được trang bị hệ thống lọc không khí và khử trùng, dây chuyền thức ăn tự động, thậm chí cả robot theo dõi nhiệt độ heo.

Nhân viên chăn nuôi trong các trang trại cao tầng phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt. Ảnh: SCMP.

Nhân viên chăn nuôi trong các trang trại cao tầng phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt. Ảnh: SCMP.

Tại các trang trại có quy mô lớn, nguy cơ lây truyền bệnh là rất nghiêm trọng. Do đó, các nhân viên New Hope Group phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt, bao gồm tắm rửa và thay quần áo khi vào và ra khỏi trang trại. Đồng hồ đeo tay cũng bị cấm bên trong khu vực trang trại.

Một số công ty lớn thậm chí xây khu ký túc xá cho nhân viên để hạn chế sự tiếp xúc với bên ngoài.

Theo đại diện New Hope Group, việc mở rộng mô hình "khách sạn nuôi heo" là rất cần thiết trong thời điểm Trung Quốc đang thiếu hụt nguồn đất nông nghiệp. Các trang trại cao tầng có thể giúp cắt giảm diện tích chăn nuôi heo khoảng 30% so với cơ sở truyền thống.

Muyuan Foods - nhà sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc - cho biết đã có sẵn diện tích đất để nuôi 100 triệu con heo. Jiangxi Zhengbang Technology - hãng lớn thứ hai Trung Quốc - cũng cho biết sẽ sớm đạt quy mô chăn nuôi tương tự.

Linh Đỗ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-dua-heo-vao-khach-san-cao-tang-de-chong-dich-ta-chau-phi-post1246240.html