Trung Quốc đưa lợn vào 'khách sạn' cao tầng tránh dịch, bảo vệ nguồn cung
'Khách sạn lợn' cao tầng với quy mô nuôi hàng nghìn con lợn ở miền nam Trung Quốc đang là giải pháp mới của nước này để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi và bảo vệ nguồn cung cho quốc gia 1,4 tỷ dân.
“Khách sạn lợn”
Trang trại nuôi heo theo mô hình nhà cao tầng tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Theo South China Morning Post, thành phố Gia Hưng (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) có một trang trại chăn nuôi lợn cao 13 tầng với thiết kế tương tự một tòa chung cư. Mỗi tầng đều được gắn camera an ninh dày đặc, lối ra vào hạn chế, dịch vụ thú y tại chỗ và bữa ăn được giám sát kỹ lưỡng. Ngoài ra, tòa nhà được trang bị hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và máy cung cấp thức ăn tự động.
Mô hình chăn nuôi lợn nghe có vẻ xa xỉ này là một hướng đi mới của Trung Quốc đối với an toàn sinh học cho nguồn cung lợn – loại thịt chính trong khẩu phần ăn của quốc gia 1,4 tỷ dân – được bảo vệ khỏi các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Hai năm trước, virus nguy hiểm này đã xóa sổ hơn một nửa đàn lợn của Trung Quốc.
Có biệt danh là “khách sạn lợn”, những trang trại thẳng đứng khổng lồ này đang được xây dựng bởi các công ty bao gồm Muyuan Foods và New Hope Group, áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà các nhà cung cấp lớn ở các quốc gia khác đã sử dụng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch. Những trang trại nuôi heo này có sức chứa lên tới 10.000 con mỗi trang trại.
Rupert Claxton, chuyên gia thuộc hãng tư vấn Gira (Mỹ) cho biết doanh nghiệp Trung Quốc đang học hỏi mô hình chăn nuôi hiện đại của Mỹ và châu Âu để thu hẹp khoảng cách an toàn sinh học.
“Trong 20 năm, họ đã làm được những điều màm người Mỹ có lẽ phải mất đến 100 năm mới làm được”, ông Claxton cho hay.
Dịch bệnh đe dọa
Thiết bị kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm tự động tại trang trại lợn ở thành phố Gia Hưng (Chiết Giang, Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg.
Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát dữ dội ở Trung Quốc vào năm 2018. Trong vòng một năm, một nửa trong số đàn lợn hơn 400 triệu con của quốc gia này bị xóa sổ - nhiều hơn tổng số đàn lợn của Mỹ và Brazil cộng lại – khiến giá cả tăng vọt và nhu cầu nhập khẩu thịt lớn chưa từng có.
An ninh lương thực trở thành ưu tiên hàng đầu, và khi giá thịt lợn tăng lên mức cao nhất trong 8 năm, chính phủ Trung Quốc đã phải mở kho dự trữ nguồn thịt lợn đông lạnh khẩn cấp để hạ nhiệt giá. Bên cạnh đó, các chính sách nông nghiệp mới cũng được ban hành nhằm dịch chuyển hoạt động chăn nuôi trang trại truyền thống sang hương công nghiệp hiện đại.
Tới nay, đà phục hồi lợn hơi tại Trung Quốc đang nhanh hơn dự đoán, do các siêu trang trại không ngừng tăng công suất chăn nuôi. Thậm chí, giá thịt lợn hơi giảm thấp đến mức chạm ngưỡng cảnh báo mới của chính phủ, buộc nhà chức trách phải tiến hành thu mua thịt lợn vào kho dự trữ để bình ổn giá thị trường.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ virus tả lợn châu Phi vẫn tồn tại, với 11 cụm dịch bùng phát trong 6 tháng đầu năm 2021 khiến hơn 2.000 con lợn bị tiêu hủy. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết sự xuất hiện của các chủng virus mới gây triệu chứng nhẹ hơn, thời gian ủ bệnh lâu hơn và đang làm phức tạp các nỗ lực phát hiện và ứng phó dịch.
Tại các nước phát triển, chăn nuôi lợn được thống trị bởi các trang trại lớn. Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan là những quốc gia có tiêu chuẩn an toàn sinh học tốt nhất thế giới khi chưa từng ghi nhận đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi nào trong những năm gần đây.
Do đó, Trung Quốc đang cố gắng cải thiện tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp của mình. Từ năm 2020, khoảng 57% nguồn cung thịt heo Trung Quốc đến từ các trang trại có khả năng cung cấp hơn 500 con mỗi năm. Trước khi dịch bùng phát năm 2018, chỉ khoảng 1% nguồn thịt heo đến từ các nhà cung cấp lớn.
Quy định nghiêm ngặt
Các nhân viên trong các khu chăn nuôi phải tuân thủ các quy định điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt. Ảnh: South China Moring Post.
Tập đoàn New Hope mới đây đã hoàn tất xây dựng 3 tòa nhà 5 tầng trên khu đất có diện tích 140.000 m2 ở phía đông Bắc Kinh. Cơ sở này sẽ cung cấp khoảng 120.000 con lợn mỗi năm, trở thành “khách sạn lợn” lớn nhất tại Bắc Kinh.
Tại các trang trại có quy mô lớn, nguy cơ lây truyền bệnh là rất nghiêm trọng. Chính vì thế, các tòa nhà đều được trang bị robot theo dõi tình trạng sức khỏe của lợn, hệ thống lọc không khí và máy cho ăn, khử trùng tự động.
Để giảm thiểu rủi ro, các nhân viên New Hope phải tuân thủ các yêu cầu vệ sinh nghiêm ngặt, bao gồm tắm rửa và thay quần áo khi vào và ra cơ sở. Đồng hồ đeo tay cũng phải được để bên ngoài khu vực trang trại.
Một số công ty lớn thậm chí xây khu ký túc xá cho nhân viên để hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Tới nay, các trang trại quy mô lớn tại Trung Quốc đã tránh được nhiều hạn chế mà đối tác ở nước ngoài buộc phải tuân thủ vì lo ngại về phúc lợi động vật và môi trường.
“Tại châu Mỹ và Mỹ, chúng tôi bị hạn chế quy mô trang trại lợn bởi người dân lo ngại về môi trường. Tuy nhiên, ở Trung Quốc thì mọi thứ rất khác”, ông Claxton chia sẻ. “Nếu họ quyết định xây một trang trại lợn quy mô lơn, thì sẽ có đất để bố trí”.
Theo đại diện của Tập đoàn New Hope, việc mở rộng mô hình “khách sạn lợn” theo chiều dọc đang là sự lựa chọn phổ biến và cần thiết. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã làm giảm diện tích đất dành cho nông nghiệp và các quy định về môi trường cũng khiến cho việc chăn nuôi thâm canh ngày càng trở nên khó khăn hơn ở các khu vực đô thị.
Các trang trại cao tầng có thể giúp cắt giảm diện tích chăn nuôi heo khoảng 30% so với các trang trại truyền thống với cùng số lượng lợn. Nó còn có sự linh hoạt hoạt về vị trí khi một số trang trại có thể được xây dựng trên núi. Các chất thải từ trại lợn cũng sẽ được xử lý và sử dụng để tưới các vườn cây ăn quả gần đó, trong khi chất thải rắn được dùng làm phân bón.
Muyuan Food, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc, cho biết đã có sẵn quỹ đất để nuôi 100 triệu con lợn. Jiangxi Zhengbang Technology, hãng lớn thứ hai Trung Quốc, cho biết sẽ sớm đạt quy mô chăn nuôi tương tự.