Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay thông báo tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) và Lockheed Martin sẽ hợp tác phát triển tiêm kích tàng hình mang tên mã F-X từ năm sau, với mục tiêu biên chế vào giữa thập niên 2030.
"Chúng tôi sẽ bắt đầu dự án hợp tác từ năm sau để bảo đảm khả năng phối hợp tác chiến với Mỹ", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản có đoạn viết.
Dự án có giá trị ước tính khoảng 40 tỷ USD với sản phẩm hoàn thiện dự kiến mang tên F-3.
Dòng chiến đấu cơ này sẽ thay thế những tiêm kích hạng nhẹ Mitsubishi F-2, sản phẩm hợp tác giữa MHI và Lockheed Martin trong quá khứ.
Lockheed từng đề xuất một thiết kế tiêm kích lai giữa dòng F-22 và F-35, nhưng Nhật Bản bác bỏ phương án này để theo đuổi thiết kế nội địa.
Nhiều tập đoàn quốc phòng của Anh và Mỹ cũng tỏ ý quan tâm tới dự án F-X. Tokyo cho biết sẽ tìm kiếm hợp tác với những doanh nghiệp này để tiếp cận công nghệ và giảm chi phí phát triển.
Nhật Bản hồi năm 2016 ra mắt nguyên mẫu tiêm kích tàng hình Mitsubishi X-2.
Đây được coi là tiêm kích tàng hình nội địa đầu tiên của Nhật, nhưng chỉ nhằm đánh giá tính khả thi của việc nước này tự chế tạo tiêm kích thế hệ 5, không được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Tuy vậy sau khi quyết định mua hàng trăm tiêm kích F-35 từ Mỹ, Nhật Bản tiếp tục tái khởi động dự án tiêm kích tàng hình nội địa X-2 (F-3). Đây là dự án đầy tham vọng của Tokyo nhằm tạo ra một chiến đấu cơ đủ sức cạnh tranh với J-20 Trung Quốc.
Việc Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới sau Mỹ, Nga và Trung Quốc phát triển và thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ 5 không gây bất ngờ bởi tiềm lực kinh tế và quân sự của Nhật Bản khá mạnh.
X-2 (trước đây được gọi là ATD-X) là mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu thế hệ 5 do Viện Nghiên cứu và Phát triển kỹ thuật (TRDI) thiết kế và giao cho tập đoàn Mitsubishi làm nhà thầu chính.
Dự án X-2 được chế tạo để thử nghiệm ứng dụng các công nghệ tiên tiến được định hình trên các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.
Trung Quốc biên chế J-20 là lý do chính khiến Nhật Bản lại tiếp tục khởi động dự án này và định danh là F-3. Về khả năng tàng hình, thân máy bay F-3 được làm bởi các vật liệu hấp thụ sóng âm, khiến nó giảm được mức độ phản xạ với radar.
F-3 được thiết kế để cho hiệu suất hoạt động vượt trội ở 4 đặc điểm bao gồm: khả năng tàng hình trước radar, bay ở tốc độ siêu âm, khả năng linh hoạt và chứa nhiều hệ thống điện tử hàng không tổng hợp.
Với sự trợ giúp của Mỹ, giới phân tích chỉ ra rằng một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 cực mạnh của Nhật Bản ra sẽ ra đời, thậm chí một số tính năng còn vượt cả F-35. Trước đây Mỹ cũng đã giúp Nhật Bản phát triển tiêm kích F-2 trên cơ sở F-16, đáng chú ý là năng lực tác chiến của F-2 vượt trội so với nguyên mẫu F-16.
Tiêm kích F-3 được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đốt sau IHI XF5-1, có lực đẩy 15 tấn và kết hợp nhiều vật liệu tổng hợp cách nhiệt. Hệ thống điện tử hàng không của F-3 bao gồm một radar mảng pha điện tử chủ động hiệu suất cao, các hệ thống tác chiến điện tử và các cảm biến RF đa nhiệm đều sử dụng sợi cáp quang nhằm giúp cho việc truyền tín hiệu nhanh và mạnh hơn.
Việt Hùng