Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại sản xuất chip

Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu hai loại kim loại quan trọng dùng để sản xuất chất bán dẫn, Bộ Thương mại nước này thông báo vào cuối ngày 3/7.

Trung Quốc yêu cầu các giấy phép xuất khẩu phải xác định được các nhà nhập khẩu và người dùng cuối, đồng thời quy định cách hai kim loại gali và germani được sử dụng. Ảnh: AFP

Trung Quốc yêu cầu các giấy phép xuất khẩu phải xác định được các nhà nhập khẩu và người dùng cuối, đồng thời quy định cách hai kim loại gali và germani được sử dụng. Ảnh: AFP

Tác động ngắn hạn không nhiều

Động thái trên được xem là lời cảnh báo đối với châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến thương mại công nghệ đang leo thang về quyền tiếp cận vi mạch, theo đài CNBC.

Những quy định mới trên được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia và chính quyền Trung Quốc sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép vận chuyển một số hợp chất gali và germani kể từ ngày 1/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các giấy phép xuất khẩu phải xác định được các nhà nhập khẩu và người dùng cuối, đồng thời quy định cách hai kim loại gali và germani sẽ được sử dụng.

Động thái trên của Bắc Kinh là một phần của cuộc chiến toàn cầu nhằm giành ưu thế công nghệ, trong đó Trung Quốc là nguồn cung cấp cả hai kim loại lớn nhất thế giới - gali và germani, theo một nghiên cứu của Liên minh châu Âu (EU) về các nguyên liệu thô quan trọng trong năm nay.

Đáng chú ý, động thái trên diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chuẩn bị thăm Trung Quốc vào cuối tuần này.

"Những quyết định trên có thể làm hạn chế nguồn cung toàn cầu dù phạm vi đã được xác định", các nhà phân tích của Eurasia Group bình luận. Họ nói thêm: "Đây là một phát súng với mục đích nhắc nhở các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan rằng Trung Quốc có các biện pháp trả đũa và do đó ngăn cản họ áp đặt thêm các hạn chế về quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các thiết bị và chip tiên tiến".

Cổ phiếu của các nhà sản xuất germani ở Trung Quốc đã tăng vọt vào ngày giao dịch 4/7 khi giá nguyên liệu thô này được dự đoán leo thang trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung ít nhất là trong ngắn hạn.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 4/7 tại Thâm Quyến, cổ phiếu của Công ty sản xuất Yunnan Lincang Xinyuan Germanium Industrial đã tăng vượt trần 10%, trong khi cổ phiếu Yunnan Chihong Zinc & Germanium đã quay đầu và tăng hơn 7,5%. Cả hai mã này đều tăng vọt so với mức tăng 0,1% của CSI 300 - chỉ số chứng khoán tính theo giá trị vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu loại A.

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc và các quan chức ngoại giao của Đài Loan đánh giá các biện pháp kiềm chế xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gây ra ít tác động ngắn hạn, Reuters đưa tin.

Thế nhưng, các quan chức Bộ Công nghiệp Hàn Quốc lưu ý rằng không thể loại trừ khả năng Bắc Kinh mở rộng các biện pháp hạn chế bằng việc bổ sung các vật liệu khác.

Gali là một kim loại bạc mềm được sử dụng để sản xuất các tấm bán dẫn hỗn hợp cho các mạch điện tử, chất bán dẫn và điốt phát quang, trong khi germani được sử dụng trong sản xuất sợi quang để truyền dữ liệu và thông tin.

"Quy mô kinh tế của các hoạt động khai thác và chế biến ở Trung Quốc ngày càng tích hợp và mở rộng, cùng với các khoản trợ cấp của nhà nước, đã cho phép nước này xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến với chi phí mà các nhà khai thác ở nơi khác không thể cạnh tranh được, nhờ đó duy trì vị thế thống trị thị trường đối với nhiều mặt hàng quan trọng", các nhà phân tích của Eurasia Group nhận định.

"Tuy nhiên, những nỗ lực trước đây của Trung Quốc nhằm tận dụng sự thống trị đó bằng cách hạn chế xuất khẩu đã làm giảm khả năng cung cấp trên toàn cầu và đẩy giá đi lên. Giá tăng cao hơn đã thúc đẩy cạnh tranh nước ngoài bằng cách làm cho các dự án khai thác và chế biến bên ngoài Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn về chi phí", Eurasia Group đánh giá.

Đối đầu dai dẳng

Tháng 10/2022, Mỹ đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm chặt đứt hoạt động xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn quan trọng sang Trung Quốc. Các quy định này được cho là có khả năng làm tê liệt tham vọng phát triển các ngành công nghệ của Trung Quốc.

Mỹ cũng đã vận động các nước và đồng minh sản xuất chip quan trọng như Hà Lan và Nhật Bản đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Cuối tuần trước, Hà Lan đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu mới đối với các thiết bị bán dẫn tiên tiến. Điều này được cho là sẽ ngăn chặn hiệu quả hoạt động xuất khẩu của ASML sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những hạn chế mới nhất của Hà Lan không nhắm mục tiêu cụ thể đến ASML - một trong những công ty bán dẫn quan trọng nhất trên thế giới.

Một số quốc gia khác cũng đang cố gắng đảm bảo chuỗi cung ứng của riêng mình và xây dựng ngành công nghiệp chip nội địa, đồng thời tập trung vào những lĩnh vực mà họ có thế mạnh truyền thống. Tuần trước, một quỹ đầu tư do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn đã đề xuất mua lại gã khổng lồ vật liệu bán dẫn JSR với giá 903,9 tỷ yên (tương đương 6,3 tỷ USD).

Công nghệ chất bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp, từ ô tô đến điện thoại thông minh và quân sự. Nó cũng là chìa khóa để triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn được coi là hai lĩnh vực công nghệ lõi mà các quốc gia đang cố gắng định vị để tạo dựng vị thế.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-han-che-xuat-khau-kim-loai-san-xuat-chip-d193293.html