Trung Quốc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ
Cục Sở hữu trí tuệ nhà nước Trung Quốc (CNIPA) vừa cho biết sẽ thúc đẩy kênh thế chấp quyền sở hữu trí tuệ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ huy động vốn, nhằm ứng phó với các tác động của đại dịch Covid-19.
Theo thông báo về việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển kinh tế ổn định và lành mạnh, CNIPA khẳng định sẽ thúc đẩy thiết lập cơ chế sàng lọc và lựa chọn doanh nghiệp dựa trên dữ liệu về quyền sở hữu trí tuệ và mức độ uy tín trên thị trường, để khai thác tốt kênh vay vốn thông qua thế chấp quyền sở hữu trí tuệ.
Cơ quan quản lý về sở hữu trí tuệ Trung Quốc cho biết, do tác động của đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, số lượng đơn hàng giảm, sức ép về vốn gia tăng…, huy động vốn thông qua thế chấp quyền sở hữu trí tuệ có thể phần nào tháo gỡ bài toán huy động vốn gặp nhiều khó khăn và giá thành cao, giúp các doanh nghiệp có được nguồn cung tài chính cần thiết bằng chính quyền sở hữu của mình.
Năm 2021, CNIPA cùng với Ủy ban Giám sát và Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia ban hành Chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn và gia nhập khu kinh tế cho giai đoạn 2021-2023, với mục tiêu thúc đẩy kênh vay vốn qua thế chấp quyền sở hữu trí tuệ bao phủ 100 khu kinh tế, khu công nghệ cao và hàng nghìn doanh nghiệp.
CNIPA nhấn mạnh, các địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kênh sở hữu trí tuệ, nhất là khảo sát nhu cầu, kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thúc đẩy thiết lập cơ chế sàng lọc và lựa chọn doanh nghiệp đủ yêu cầu dựa trên các thành tích về sở hữu trí tuệ và tình hình trả nợ vốn vay.
Đối với những ngành nghề đặc thù như dịch vụ ăn uống, văn hóa và du lịch chịu tác động lớn của dịch bệnh và có nhu cầu vay vốn để nhanh chóng phục hồi kinh doanh, cơ quan chức năng Trung Quốc xác định phải ưu tiên cho phép vay vốn bằng thế chấp thương hiệu với cơ chế thẩm định, đăng ký và cấp phát vốn nhanh nhất.
Ngoài ra, các chủ thể thị trường gặp khó khăn bởi dịch bệnh, khi vay vốn qua thế chấp bằng quyền sở hữu trí tuệ sẽ được nhà nước trợ cấp nhiều chi phí liên quan như lãi vay, định giá và bảo hiểm vay vốn.