Trung Quốc hoạch định thế trận tại châu lục đen: Dấy lên cảnh báo tại Mỹ
Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc có nhiều lựa chọn quân sự ở châu Phi nhưng Bắc Kinh được dự kiến sẽ hành động cẩn trọng để tránh các nguy cơ chính trị.
Theo tờ Asia Nikkei, Trung Quốc được cho là đang tìm cách xây dựng sự hiện diện quân sự ở Guinea Xích đạo, hướng đến việc đưa nơi đây trở thành cơ sở quân sự lớn thứ hai ở Châu Phi và là cơ sở quân sự đầu tiên đứng đầu Đại Tây Dương. Nhưng lựa chọn của Trung Quốc không bị giới hạn ở một nước nhỏ như vậy, theo nhiều nhà phân tích.
Kenya, Tanzania, Namibia, Angola và Seychelles là những ứng cử viên nặng ký, mỗi nước sẽ có những chức năng khác nhau.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể sẽ lựa chọn các căn cứ cẩn thận, nhằm bảo đảm rằng bất kỳ cơ sở quân sự nào cũng đủ ổn định về mặt chính trị. Trung Quốc sẽ không bị ép buộc hành động nếu lãnh đạo nước sở tại bị lật đổ. Cơ sở quân sự đầu tiên của Trung Quốc tại châu Phi là ở Djibouti thuộc khu vực Sừng châu Phi.
Các bước đi cẩn trọng
Paul Nantulya, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi, cho biết: "Trung Quốc, không nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều chọn lựa khi nói đến việc xây dựng căn cứ.
"Chắc chắn Trung Quốc sẽ không công khai các cuộc thảo luận mà họ đang có với các nước châu Phi về các vấn đề có tính chất quân sự vì chúng có xu hướng gây tranh cãi", ông nói. "Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào cách hành động của Trung Quốc, có một số cân nhắc mà chính phủ Trung Quốc sẽ tính đến".
Ông Nantulya nói: "Đầu tiên, Trung Quốc có thể sẽ chọn các đối tác mà họ có quan hệ chiến lược cấp cao nhất. Trong số năm cấp hệ thống đối tác mà họ có, hệ thống đối tác tác chiến lược toàn diện là cấp độ cao nhất. Những nước phù hợp với danh mục đó là Ethiopia, Guinea, Kenya, Mozambique, Namibia, Tanzania và Zimbabwe.
Ông Nantulya nói: Nhưng Zimbabwe thì khó đoán về mặt chính trị và có thể, sẽ không được coi là một lựa chọn. Bắc Kinh cũng có thể sẽ hướng đến chọn các quốc gia có ảnh hưởng trong Liên minh châu Phi để có thể huy động sự ủng hộ và giảm thiểu sự phản kháng đối với việc xây dựng một căn cứ của Trung Quốc trong khu vực.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin trong tháng này rằng Bắc Kinh đang đặt mục tiêu thiết lập sự hiện diện quân sự trực tiếp – triển khai một căn cứ cung cấp tham vấn và sửa chữa tàu hải quân - ở Guinea Xích đạo, dẫn lời các quan chức Mỹ. Theo WSJ, các cơ quan báo Mỹ đã theo dõi những động thái của Trung Quốc hướng đến mục tiêu này kể từ khoảng năm 2019.
Viễn cảnh quân đội Trung Quốc đặt dấu chân dọc Đại Tây Dương, bên cạnh sự hiện diện ngày càng mở rộng ở Thái Bình Dương, khiến Washington cảnh giác. Năng lực quân sự của Bắc Kinh ngày càng phát triển và việc Mỹ chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể để lại những lỗ hổng ở nhiều nơi khác cho Trung Quốc tận dụng.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã làm rõ với các nhà lãnh đạo Guinea Xích đạo rằng "các bước đi tiềm tàng liên quan đến [Trung Quốc] và các hoạt động của [họ] ở nước này sẽ gây ra quan ngại với an ninh quốc gia cho chúng tôi", Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby thông tin với phóng viên.
Michael Tanchum, chuyên gia chính sách cao cấp tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, từng bình luận rằng Guinea Xích đạo không đơn độc trong số nhiều quốc gia Châu Phi mắc nợ Trung Quốc và có khả năng rằng các căn cứ khác ven bờ Đại Tây Dương của Trung Quốc có thể sẽ xuất hiện tại châu lục này.
Ông Tanchum viết trong một bài báo xuất bản tuần trước: "Cho dù việc xây dựng mới các cơ sở như vậy chưa thể diễn ra trong một thời gian ngắn, thì việc cố gắng định hình một cấu trúc an ninh trên khắp châu Phi của Bắc Kinh chắc chắn sẽ giúp họ hiện diện lâu dài tại đây".
Ông viết: "Trong những tình thế như vậy, lục địa châu Phi sẽ là tiền đề cho Bắc Kinh có thể hoạch định quyền lực trực tiếp tới Bắc Mỹ và châu Âu".
Mỹ gia tăng cảnh giác
Trung Quốc đã thiết lập cơ sở quân sự đầu tiên ở nước ngoài và duy nhất cho đến nay ở Djibouti vào năm 2017. Cơ sở này có vị trị chiến lược gần eo biển Bab el-Mandeb nối Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Được biết trong năm nay, Bắc Kinh đã hoàn thành một cầu tàu ở đó có thể neo đậu một tàu sân bay và căn cứ này cũng có thể tiếp nhận tàu tấn công mới của Trung Quốc.
Nơi này cách không xa vị trí của quân đội của Mỹ ở Djibouti nhưng căn cứ này cách xa lục địa Mỹ và Washington coi đây là một mối đe dọa tương đối nhỏ.
Nhưng gần đây, Trung Quốc đang tăng cường các động thái nhằm chống lại chiến lược phối hợp của Mỹ và các đối tác vì một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".
Theo truyền thông Mỹ, Trung Quốc bí mật tìm cách xây dựng một công trình, nơi bị nghi là một cơ sở quân sự, tại một cảng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Dự án này được cho là đã bị tạm dừng sau khi chính quyền Biden cảnh báo rằng nó có thể đe dọa quan hệ giữa Washington và Abu Dhabi.
Những lo ngại về mối quan hệ của UAE với Trung Quốc, đặc biệt là nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm với Bắc Kinh, đã cản trở các cuộc đàm phán về việc UAE mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết trong một bài phát biểu trong tháng này: "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang mở rộng khả năng triển khai lực lượng và thiết lập mạng lưới căn cứ quân sự toàn cầu.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đưa tin rằng bản tin của WSJ về căn cứ ở Guinea Xích đạo là "không đúng sự thật và là động thái mới nhất của Mỹ nhằm thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc", trích lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên.