Trung Quốc: 'Khát' nhân lực điều khiển máy bay không người lái

Trung Quốc coi việc phát triển máy bay không người lái là động lực mới và có thể tạo ra thêm hàng triệu cơ hội việc làm. Các chương trình đào tạo điều khiển máy bay không người lái đang trở nên phổ biến.

Động lực kinh tế mới

"Nền kinh tế tầm thấp" là các hoạt động trong không phận từ 1.000m (3.281 feet) trở xuống bao gồm máy bay không người lái hoặc phương tiện cất/hạ cánh thẳng đứng bằng điện (eVTOL) để vận tải hành khách hoặc hàng hóa.

Các kỹ thuật viên chuẩn bị thử nghiệm một chuyến bay bằng máy bay không người lái tại Thâm Quyến.

Các kỹ thuật viên chuẩn bị thử nghiệm một chuyến bay bằng máy bay không người lái tại Thâm Quyến.

Với phạm vi hoạt động ngắn nên phương tiện vận tải tầm thấp được coi là lý tưởng để vận chuyển hàng hóa và hành khách trong nội thành giờ cao điểm, hoặc từ trung tâm thành phố đến sân bay.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), trong báo cáo mới đây của Chính phủ Trung Quốc, thuật ngữ "nền kinh tế tầm thấp" đã được nhắc đến như một động lực kinh tế mới.

Trung Quốc đã xây dựng kế hoạch cấp quốc gia và chuẩn bị hướng dẫn cho chính quyền địa phương để tận dụng các nền kinh tế tầm thấp, từ máy bay không người lái đến máy bay eVTOL.

Dù Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) Trung Quốc chưa công bố kế hoạch chi tiết nhưng đã kêu gọi các địa phương đẩy nhanh triển khai cơ sở hạ tầng và thúc đẩy các công ty trong lĩnh vực này hợp tác.

Mới đây, MIIT đã tổ chức hội nghị đầu tiên về phát triển nền kinh tế tầm thấp và triển khai một loạt dự án để hiện thực hóa tham vọng, kêu gọi các trường đại học thành lập ngành công nghiệp tầm thấp để phát triển nhân lực.

Để giám sát lĩnh vực này, chính phủ Trung Quốc đưa ra một loạt quy định có hiệu lực từ đầu năm 2024, yêu cầu người điều khiển máy bay không người lái cỡ nhỏ, vừa và lớn phải có giấy phép hàng không dân dụng, trừ khi bay những mẫu máy bay hạng nhẹ ở độ cao dưới 120m (394 feet) trong không phận không hạn chế.

Các địa phương cùng vào cuộc

Ở cấp địa phương, cách đây không lâu, thành phố Thâm Quyến đã lấy ý kiến người dân về việc hỗ trợ ngân sách cho các công ty được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay đối với máy bay không người lái và máy bay điện eVTOL, từ đó mở các đường bay khoảng cách ngắn và thiết lập cơ sở hạ tầng.

Khách tham quan, thử ngồi máy bay điện tại triển lãm của Hội nghị Phát triển kinh tế tầm thấp 2024 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Khách tham quan, thử ngồi máy bay điện tại triển lãm của Hội nghị Phát triển kinh tế tầm thấp 2024 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Vốn là cái nôi của các công ty hàng đầu trong ngành như DJI, EHang và Zerotech, Thâm Quyến dự kiến phân bổ tới 160 triệu Nhân dân tệ (22,4 triệu USD) để hỗ trợ các công ty địa phương thúc đẩy nền kinh tế tầm thấp.

Theo trang web chính thức của địa phương, nguồn vốn trợ cấp có thể lên tới tối đa 220 triệu Nhân dân tệ vào năm 2025 và 210 triệu Nhân dân tệ vào năm 2026.

Thâm Quyến đã thử nghiệm thành công nhiều chuyến taxi bay liên tỉnh dài 150km tới Chu Hải trong năm nay, rút ngắn thời gian lái xe ban đầu từ 3 giờ xuống còn 20 phút. Ngoài ra, nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới DJI cũng thiết lập 25 tuyến giao hàng bằng máy bay không người lái trong thành phố.

Đến nay, hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc như Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Sơn Đông... cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo thúc đẩy kinh tế tầm thấp phát triển.

Cần khoảng 1 triệu lao động

Sở dĩ Trung Quốc gọi đây là động lực mới để phát triển kinh tế vì từ đây có thể tạo ra thêm hàng triệu cơ hội việc làm mới.

Anh Bai Wuhen, 28 tuổi là một ví dụ. Từng làm việc trong ngành khách sạn và gặp biến cố dẫn đến thất nghiệp, Wuhen nay đã nắm bắt cơ hội, sớm tham gia vào chương trình đào tạo toàn thời gian ở Thâm Quyến để có giấy phép vận hành.

Chàng trai muốn sở hữu khả năng điều khiển máy bay không người lái cỡ trung bình. Đây là kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực giao hàng bằng máy bay không người lái đang phát triển ở Trung Quốc nên rất "khát" lao động.

"Tôi muốn chuyên nghiệp hơn, đặc biệt khi lĩnh vực này đang ngày càng được chuẩn hóa. Để được như vậy, bước đầu tiên cần được cấp phép", anh nói.

Nhu cầu về chứng chỉ phi công từ xa ngày càng tăng và rất đông công nhân, sinh viên tốt nghiệp chuyển hướng theo đuổi công việc liên quan đến vận hành máy bay không người lái.

Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Li Chunlin cho hay, nền kinh tế tầm thấp hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 1 triệu công nhân lành nghề.

Người sáng lập Công ty Global Hawk UAV Co - Yu Jingbing cho biết, trung tâm đào tạo này có trụ sở tại Thâm Quyến đã ghi nhận số lượng sinh viên tăng vọt trong năm qua.

"Số lượng thực tập sinh mà chúng tôi tiếp nhận tính đến thời điểm này đã cao hơn nhiều so với cả năm ngoái và hy vọng số thực tập sinh trong cả năm sẽ tăng gấp đôi", ông nói.

Một trung tâm đào tạo khác là Zhifei ở Thượng Hải cũng chứng kiến số lượng sinh viên tăng mạnh kể từ mùa hè này.

Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu trong ngành cho rằng, do ngành này còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa chắc chắn về chiến lược cần thiết để phát triển hiệu quả nền kinh tế tầm thấp.

Ông Luo Jun, Giám đốc điều hành Liên minh kinh tế tầm thấp Trung Quốc chỉ ra, hiện chưa có mô hình kinh doanh kiểu mẫu để có thể học hỏi từ nước ngoài, trong khi các công ty đang tích cực hoạt động trong lĩnh vực này cũng bối rối về mô hình kinh tế đó.

Theo Báo cáo Nghiên cứu phát triển kinh tế tầm thấp Trung Quốc công bố năm 2024, trong năm 2023, quy mô kinh tế tầm thấp của Trung Quốc đạt 505,95 tỷ nhân dân tệ (khoảng 71 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng đạt 33,8%. Dự kiến đến năm 2036, quy mô kinh tế tầm thấp của nước này sẽ vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD).

Theo Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC), tính đến cuối tháng 6, Trung Quốc chỉ có 225.000 người được cấp phép chính thức để vận hành máy bay không người lái.

Tính đến cuối tháng 9 đã có hơn 2 triệu chiếc máy bay không người lái được đăng ký với CAAC. Ước tính nếu tính cả những chiếc chưa được đăng ký, hiện có ít nhất 3 triệu máy bay không người lái đang được sử dụng. Vì thế, nhu cầu về chuyên gia được cấp phép không chỉ biết điều khiển mà còn có khả năng sửa chữa, bảo dưỡng máy bay không người lái là rất lớn.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-khat-nhan-luc-dieu-khien-may-bay-khong-nguoi-lai-192241121231259476.htm