Trung Quốc không nhượng bộ dù ông Trump dịu giọng về thuế quan

Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong tuần này đều phát đi tín hiệu cho thấy có thể sẽ có sự hạ nhiệt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không coi đây là dấu hiệu để nhượng bộ.

Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chip và thiết bị sản xuất chip. Ảnh: Reuters

Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu chip và thiết bị sản xuất chip. Ảnh: Reuters

Trả lời báo chí tại Nhà Trắng ngày 23-4, Tổng thống Trump cho biết: "Chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận công bằng với Trung Quốc. Phải công bằng thôi. Chúng tôi sẽ giúp tất cả kiếm ra tiền và ai cũng vui vẻ cả, với điều kiện Mỹ không còn bị cả thế giới trục lợi". Ông Trump sau đó nói thêm rằng Mỹ "chủ động liên lạc mỗi ngày" với Trung Quốc về đàm phán thương mại. Một ngày trước đó, ông Trump nói tại Phòng Bầu dục rằng mức thuế quan khổng lồ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ "giảm đáng kể". Ông thừa nhận chỉ tạm thời áp thuế hàng hóa Trung Quốc để đàm phán và cảm thấy không cần phải "cứng rắn" với nước này, mà cũng có thể chọn phương pháp "rất tử tế".

Hôm 23-4, ông Bessent cho biết mức thuế quá cao giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ cần phải giảm trước khi có thể tiến hành đàm phán nghiêm túc, đồng thời nhấn mạnh rằng việc giảm căng thẳng là điều cần thiết để tái cân bằng mối quan hệ thương mại song phương. Dù vậy, Bắc Kinh đến nay vẫn không lay chuyển trước những thông điệp tích cực mang tính xoa dịu từ Tổng thống Mỹ. Thay vào đó, họ yêu cầu ông xóa bỏ mọi hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc hôm 24-4 cũng phủ nhận rằng họ đang thương lượng với Washington về cuộc chiến thương mại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Guo Jiakun, tuyên bố rằng Bắc Kinh "chưa tiến hành bất kỳ cuộc tham vấn hay đàm phán nào về thuế quan với Mỹ, chứ chưa nói đến việc đạt được thỏa thuận", đồng thời gọi các thông tin ngược lại là "tin giả". Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong nhấn mạnh: "Với tư cách đại diện cơ quan có thẩm quyền về quan hệ kinh tế và thương mại đối ngoại, tôi muốn nhấn mạnh rằng hiện tại không có bất kỳ cuộc đàm phán kinh tế và thương mại nào giữa Trung Quốc và Mỹ". Ông nói thêm: "Bất kỳ tuyên bố nào về tiến triển của các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại Trung Quốc - Mỹ đều là vô căn cứ và không có cơ sở thực tế. Trung Quốc kêu gọi Mỹ sửa chữa hành vi, thể hiện sự chân thành cần thiết cho các cuộc đàm phán và quay trở lại đúng hướng là đối thoại và tham vấn bình đẳng".

Ngay sau đó, Tổng thống Trump đã một lần nữa khẳng định rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, phản bác lại tuyên bố từ phía Bắc Kinh rằng hai bên chưa tổ chức bất kỳ cuộc thảo luận nào nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại kéo dài. "Họ đã có một cuộc họp sáng nay", ông Trump nói với các phóng viên, từ chối tiết lộ cụ thể "họ" là ai. "Không quan trọng là ai cả. Có thể chúng tôi sẽ tiết lộ sau, nhưng họ đã họp sáng nay, và chúng tôi đã có các cuộc gặp với Trung Quốc", ông Trump nhấn mạnh. Một ngày trước đó, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ có một thỏa thuận thương mại công bằng với Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Mỹ và Trung Quốc có đang liên hệ trực tiếp về thương mại hay không, ông nói: "Hàng ngày".

Những tuyên bố trái ngược từ Washington và Bắc Kinh tiếp tục cho thấy tình trạng truyền thông mập mờ và căng thẳng đang chi phối cục diện cuộc xung đột thương mại hiện nay, khiến thị trường toàn cầu thêm biến động và kéo dài thiệt hại kinh tế cho cả 2 bên. Các chuyên gia Trung Quốc cố vấn cho chính phủ coi động thái dịu giọng của Tổng thống Trump chủ yếu nhằm đối phó với những áp lực trong nước và xoa dịu thị trường Mỹ. Họ tin rằng nó không thể ngăn chặn cuộc đấu đau đớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc chiến mà Bắc Kinh đang chiếm ưu thế và không vội vàng thỏa hiệp với Washington.

Động thái hạ giọng của Tổng thống Trump về Trung Quốc diễn ra một ngày sau khi ông gặp riêng các giám đốc điều hành từ 4 công ty bán lẻ lớn, gồm Walmart, Target, Home Depot và Lowe's, những người đã bày tỏ lo ngại về hậu quả kinh tế từ chính sách thuế quan của ông và bất ổn mà nó tạo ra cho thị trường tài chính. Nhiều ngân hàng đầu tư lớn đã cảnh báo mức thuế quan khổng lồ của Mỹ, cũng như mức thuế trả đũa 125% của Trung Quốc, sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ và toàn cầu vào suy thoái.

Dù Tổng thống Trump chưa đưa ra con số cụ thể, một quan chức cấp cao Nhà Trắng tiết lộ với Wall Street Journal rằng mức thuế 145% hiện tại với Trung Quốc có thể được Mỹ giảm xuống "khoảng từ 50% đến 65%". Nhưng sự nhượng bộ này nhiều khả năng sẽ không làm Trung Quốc hài lòng. Bắc Kinh dường như tin rằng họ có sức chống chịu tốt hơn Washington và khi củng cố quyết tâm cũng như lòng kiên nhẫn, họ sẽ buộc chính quyền Trump phải nhượng bộ hơn nữa.

Kinh nghiệm từ thương chiến trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump cũng giúp Trung Quốc rút ra nhiều bài học. Trung Quốc khi đó đã có nhiều nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu của Nhà Trắng, nhưng vẫn không xoa dịu được căng thẳng thương mại song phương. Hiện nay, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn rất nhiều để đối phó với đòn thuế của Mỹ, cả về năng lực tự cường về công nghệ lẫn quan hệ với các đối tác thương mại được đa dạng hóa.

Dù vậy, nhiều chuyên gia Trung Quốc cũng cảnh báo về hậu quả tiêu cực nếu Bắc Kinh lún sâu vào một cuộc đối đầu thương mại kéo dài với Washington. Một chuyên gia đối ngoại giấu tên cho hay ông rất lo ngại về tác động của đòn thuế quan từ Mỹ tới nền kinh tế vốn đang chững lại của Trung Quốc.

AN BÌNH

Trung Quốc cân nhắc miễn thuế đối với một số mặt hàng của Mỹ

Reuters dẫn lời một số nguồn tin cho biết, các cơ quan chính phủ Trung Quốc có liên quan đang cân nhắc việc loại trừ một số hàng hóa Mỹ, bao gồm thiết bị y tế và các nguyên liệu hóa học như ethane, khỏi danh mục bị áp thuế trả đũa tương ứng. Ngoài ra, hoạt động thuê máy bay cũng được kỳ vọng sẽ được miễn thuế trả đũa. Nguồn tin cho biết danh sách cuối cùng các mặt hàng được miễn thuế trả đũa vẫn đang được điều chỉnh, và quá trình thảo luận liên quan cuối cùng có đạt được tiến triển cụ thể vẫn còn biến số. Ít nhất một hãng hàng không Trung Quốc đã được miễn thuế đối với các khoản thanh toán cho các công ty cho thuê máy bay đặt tại các khu thương mại tự do. Tạp chí tài chính Trung Quốc Caijing dẫn lời nhiều nhân sự tại các công ty công nghệ có nhu cầu nhập khẩu chip, cho biết đã có 8 mã thuế liên quan đến chất bán dẫn/chip tích hợp được miễn áp dụng mức thuế bổ sung, tuy nhiên hiện chưa bao gồm chip nhớ.

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/trung-quoc-khong-nhuong-bo-du-ong-trump-diu-giong-ve-thue-quan-post312260.html