Căng thẳng thương mại: Trung Quốc phản ứng trước chính sách thuế quan của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng mức thuế 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc cho thấy chiến lược này đang vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ.

Quốc kỳ của Trung Quốc và Mỹ bên ngoài một khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Politico, thay vì nhượng bộ, Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương tự và phát động chiến dịch ngoại giao nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện các chuyến công du tới Đông Nam Á để thúc đẩy quan hệ, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tăng cường tiếp xúc với các đối tác tại Anh và Liên minh châu Âu. Tại Canada, Đại sứ Trung Quốc cũng công khai kêu gọi hợp tác nhằm chống lại các chính sách thương mại của Mỹ.
Theo các chuyên gia thương mại quốc tế, chính quyền Trump có thể đã đánh giá chưa đúng về khả năng ứng phó của Bắc Kinh. Bà Emily Kilcrease, cựu Phó Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, nhận định rằng việc áp dụng chiến thuật thuế quan mạnh tay từng thành công với Mexico và Canada khó có thể đạt được hiệu quả tương tự với Trung Quốc. Ông Harry Broadman, cựu trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, cho rằng Washington đã đánh giá thấp sự linh hoạt và khả năng chống chịu của Bắc Kinh.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào xuất khẩu bằng cách mở rộng tiêu dùng trong nước và thắt chặt quan hệ với các đối tác tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước chịu tác động từ thuế quan.
Trong khi đó, các tuyên bố mâu thuẫn giữa hai bên cho thấy tiến trình đối thoại đang đình trệ. Tổng thống Trump khẳng định các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không có bất kỳ cuộc tham vấn nào. Các nguồn tin cũng cho biết hai nhà lãnh đạo chưa có liên lạc trực tiếp kể từ khi Mỹ áp thuế mới.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng chịu áp lực đáng kể. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo các biện pháp thuế quan có thể làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu và gia tăng nguy cơ bất ổn tài chính. Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tiêu cực trước các dự báo về rủi ro kinh tế.
Chính quyền Trump tiếp tục nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần có hành động cụ thể như chấm dứt thao túng tiền tệ, hạn chế trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước khi Mỹ xem xét thay đổi chính sách thuế quan. Theo Reuters, Trung Quốc đang xem xét dỡ bỏ thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu thiết yếu từ Mỹ, nhưng chưa rõ Bắc Kinh có sẵn sàng tiến tới một cuộc đàm phán cấp cao mới hay không.
Trong bối cảnh hai bên đều duy trì lập trường cứng rắn, khả năng nối lại đàm phán thực chất có thể phụ thuộc vào các sáng kiến ngoại giao không chính thức nhằm giảm căng thẳng và tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp.