Trung Quốc kiểm soát thận trọng với đổi mới tài chính
Cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cho rằng, đổi mới tài chính phải được thực hiện dưới cơ sở giám sát thận trọng, bao gồm việc yêu cầu các công ty tài chính kiểm soát rủi ro hay nắm giữ đủ vốn...
Trung Quốc kiểm soát thận trọng
Thông tin từ SCMP cho hay, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc vừa mới phát đi tín hiệu về việc tăng cường ngăn chặn rủi ro tài chính, khi bất ổn ngày càng lan rộng ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngành có mối liên hệ chặt chẽ với công chúng như các nền tảng tài chính và Internet.
Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc nói rằng, nguồn tài chính khổng lồ của một số lĩnh vực bao gồm Internet, dữ liệu lớn khiến chúng có nguy cơ bị lạm dụng quá mức cần được ngăn chặn.
“Cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích đổi mới công nghệ và hạn chế sự mở rộng vô tổ chức là một nhiệm vụ khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt. Cùng với đó, bảo mật dữ liệu, chống độc quyền hay những hoạt động mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng tài chính cũng đã trở thành mối quan tâm lớn.
Do đó, đổi mới tài chính phải được thực hiện dưới cơ sở giám sát thận trọng, bao gồm việc yêu cầu các công ty tài chính kiểm soát rủi ro, nắm giữ đủ vốn, kết hợp với giám sát các nền tảng tài chính trực tuyến. Đặc biệt, cần chống độc quyền tài chính, điều tiết và phát triển lành mạnh nguồn vốn theo quy định pháp luật”, ông đề xuất.
Còn theo nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, Dan Wang nhận xét, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm muốn nhấn mạnh vai trò phục vụ của tài chính đối với nền kinh tế thực, nhưng không đánh giá cao vai trò của sự đổi mới trong lĩnh vực này.
Nhiều năm trước, người ta đã nói nhiều về đổi mới tài chính, trí tuệ nhân tạo, nhưng đến nay điều này không còn là trọng tâm nữa. Vì vậy, họ định hướng hệ thống tài chính phát triển để đạt được các mục tiêu chính sách của đất nước, hỗ trợ các ngành công nghệ cao, đồng thời được kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tung ra một loạt các quy định cho Fintech, điển hình là cuộc điều tra chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ diễn ra vào cuối năm 2020, khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 34,5 tỷ USD tại Hồng Kông và Thượng Hải của Ant Group bị đình chỉ.
Ý kiến của ông Guo Shuqing cũng nhấn mạnh, tình hình kiểm soát rủi ro tài chính của Trung Quốc đang khá phức tạp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19, cùng nhiều vấn đề mới phát sinh, còn những vấn đề cũ thì chưa được giải quyết dứt điểm, cụ thể như những ngân hàng hoạt động ngầm hay các khoản nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương. Nhất là tội phạm tài chính thường xuyên xảy ra, nhưng các tổ chức tài chính địa phương vẫn yếu kém trong việc kiểm soát rủi ro.
Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tiền mặt tại một số ngân hàng nông thôn thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, liên quan đến khoản tiền gửi trị giá 40 tỷ NDT (5,5 tỷ USD) đã được công bố, gây ra làn sóng biểu tình lớn của những người gửi tiết kiệm.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng và hoạt động của lĩnh vực Fintech trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến đáng chú ý nhờ áp dụng mạnh mẽ các giao thức kỹ thuật số trong kinh doanh, sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử và quyết tâm thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số từ phía Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo, giá trị thanh toán qua thiết bị di động dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, các công ty Fintech là động lực khiến các ngân hàng thương mại chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe hơn của khách hàng, từ đó thu hút các khách hàng mới và tạo lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro về thị phần, lợi nhuận; sự tăng cường hoạt động Fintech dẫn tới gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên tham gia thị trường (ngân hàng, công ty Fintech và các thành phần khác) và cơ sở hạ tầng của thị trường dẫn đến gia tăng rủi ro hoạt động...
“Trong số những kịch bản dự kiến về mô hình hoạt động ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, không chỉ có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech, mà còn có mô hình ngân hàng truyền thống tự hiện đại hóa, số hóa các dịch vụ hiện hành bằng cách ứng dụng các xu hướng công nghệ mới như Cloud Computing, Big Data, AI… Vì vậy, tương lai của Fintech trong xu hướng hợp tác với ngân hàng và các xu thế công nghệ mới sẽ như thế nào?” TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu vấn đề.
Thực tế, chuyển đổi số ngành ngân hàng và phát triển mạnh mẽ Fintech là rất cần thiết, nhưng đi kèm với đó cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, quy định chặt chẽ nhưng vẫn tạo điều kiện cho sự đổi mới tài chính được phát huy hiệu quả của mình.
Chia sẻ trên Diễn đàn Doanh nghiệp, ThS. Vũ Thị Thùy Linh, giảng viên ĐH Thương mại cho rằng, các ngân hàng thương mại cần tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Đầu tư vào công nghệ hiện đại và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số; Phát triển ngân hàng số có bản sắc riêng, sự khác biệt rõ ràng với những tiện ích thiết thực để thu hút khách hàng, nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dùng biết đến ngân hàng số và các lợi ích của ngân hàng số, từ đó có thể chuyển đổi số toàn diện hơn; Xây dựng quy trình đào tạo kỹ năng sử dụng cho khách hàng, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ đơn giản để thay đổi thói quen người dùng.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại xem xét hợp tác Ngân hàng – Fintech, coi Fintech là đối tác thay vì đối thủ để có thể tận dụng thế mạnh của các bên, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới và đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng.