Trung Quốc: Kinh ngạc với mộ cổ vị quý tộc bí ẩn thời Đường
Tác giả trang trí ngôi mộ cổ xa hoa này có thể cũng là người trang trí mộ của Mân Thái Tổ thời Ngũ Đại Thập Quốc
Theo Heritage Daily, các nhà khảo cổ đã phát hiện một ngôi mộ cổ được trang trí công phu từ thời nhà Đường (năm 618-907 sau Công nguyên) trong quá trình khai quật ở tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc.
Sau vài năm khai quật, một phần ngôi mộ cổ đã lộ ra với một cánh cổng được trang trí bằng các họa tiết thực vật xoáy, một cặp tượng mặc áo choàng - có thể là người bảo vệ khu lăng mộ.
Theo Viện Khảo cổ học tỉnh Sơn Tây, lối đi dẫn vào phòng chôn cất chính có trần hình nón với 4 loài thú kỳ ảo trong thần thoại Trung Quốc, bao gồm một con rồng và có thể là một con phượng hoàng.
Ngoài ra, các bức tường của căn phòng còn có một loạt những tấm được trang trí bằng hình vẽ giống những dải ruy băng đỏ dày.
Trên tường là hình ảnh minh họa nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống hằng ngày, với một số người đi dạo giữa bối cảnh một vùng nông thôn, cùng những tán lá bên trên.
Theo các nhà khảo cổ học, phong cách này là đặc trưng của thời Đường, được gọi là phong cách "hình dưới gốc cây".
Đặc sắc hơn, các bức tranh trên tường và trần nhà đều được vẽ bằng những màu sắc rực rỡ như trắng, đỏ, vàng, đen, xanh lá cây và cam.
Kết quả xác định niên đại cho thấy ngôi mộ có từ cuối thời nhà Đường. Chủ nhân ngôi mộ vẫn còn bí ẩn.
Sau khi triều Đường diệt vong, Trung Quốc bước vào một thời kỳ hỗn loạn gọi là Ngũ Đại Thập Quốc, kéo dài từ năm 907-979; trước khi triều Tống một lần nữa thống nhất đất nước.
Mặc dù mộ cổ này được xác định có từ thế kỷ VIII, nhưng phần cổng đẹp mắt, tranh trên tường và trần của ngôi mộ dạng phòng chôn cất này có thể đã được thực hiện sau đó, vào cuối thời Đường.
Các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng tác giả của các bức tranh cũng là người đã trang trí mộ cho Mân Thái Tổ Vương Thẩm Tri - vị vua khai quốc của nhà Mân thời Ngũ Đại Thập Quốc.