Trung Quốc: Kinh tế các tỉnh, thành phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm

6 tháng đầu năm, có 16 tỉnh của Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn mức trung bình 5% của cả nước, trong đó Khu tự trị Nội Mông dẫn đầu (6,2%).

Công nhân làm việc tại một công trường ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Công nhân làm việc tại một công trường ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, chính quyền các tỉnh, thành ở Trung Quốc đều duy trì sự tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm 2024 và hơn 50% khu vực cấp tỉnh đang trong quỹ đạo phục hồi nhanh chóng ở giai đoạn này, nhờ tăng trưởng công nghiệp mạnh mẽ, những động lực mới từ việc tạo ra lực lượng sản xuất chất lượng mới và nhu cầu bên ngoài tương đối lớn.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, có 16 tỉnh của Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn mức trung bình 5% của cả nước, trong đó Khu tự trị Nội Mông dẫn đầu (6,2%), tiếp theo là Trùng Khánh và Khu tự trị Tây Tạng (6,1%). Xét về quy mô, GDP của tỉnh Quảng Đông và tỉnh Giang Tô đều vượt 6.000 tỷ Nhân dân tệ (913,64 tỷ USD), dẫn đầu các tỉnh.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng dữ liệu này là minh chứng cho khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cho thấy tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Họ bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ rằng Trung Quốc có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 5% và kêu gọi tăng cường các chính sách mở rộng nhu cầu trong nước, đặc biệt là thông qua việc tăng thu nhập của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị sản lượng của khu vực Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, khu vực đồng bằng sông Dương Tử (sông Trường Giang), miền Đông Trung Quốc và 9 thành phố Trung Quốc đại lục trong khu Vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cao là 25.500 tỷ NDT, chiếm khoảng 41,6% tổng giá trị sản lượng kinh tế của cả nước.

Tất cả các khu kinh tế lớn này đều có động lực tốt về tăng trưởng sản xuất công nghệ cao và lực lượng sản xuất chất lượng mới. Chẳng hạn, đầu tư của Quảng Đông vào sản xuất tiên tiến và sản xuất công nghệ cao lần lượt tăng 18,6% và 23,9%. Tại tỉnh Sơn Tây, đầu tư vào sản xuất công nghệ cao tăng 50,6% và đầu tư vào sản xuất điện năng lượng mới tăng 34,9%.

Cao Heping, nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh cho rằng "những con số này rất đáng chú ý và cho thấy xu hướng tăng trưởng ổn định trong nền kinh tế". Đặc biệt, nền kinh tế khu vực mà đại diện là khu Vịnh lớn đã trở thành đầu tàu dẫn đầu nền kinh tế Trung Quốc khi sự hội tụ sâu sắc giữa công nghệ kỹ thuật số và nền kinh tế thực đã tạo ra các ngành công nghiệp mới và các mô hình kinh doanh mới chi phối tăng trưởng ở các khu vực này.

Theo các nhà phân tích, nhờ sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, các yếu tố tích cực đang được tích lũy. Nền kinh tế Trung Quốc đang có triển vọng tăng trưởng, bất chấp áp lực liên tục từ môi trường bên ngoài phức tạp, nhu cầu trong nước chưa đủ và những thách thức tạm thời trong quá trình chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế.

Hải Yến/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-kinh-te-cac-tinh-thanh-phuc-hoi-manh-me-trong-nua-dau-nam/342829.html