Trung Quốc là 'chìa khóa' mở cửa đàm phán chấm dứt xung đột Ukraine?

Trung Quốc được cho là đã đưa ra đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 13-2 trích dẫn các nguồn tin cho biết những tuần gần đây, thông qua trung gian, Bắc Kinh đề xuất với các cố vấn của ông Trump về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga, từ đó thúc đẩy những nỗ lực gìn giữ hòa bình sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Trung Quốc đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga nhưng không có sự tham gia của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, ý tưởng nêu trên vấp phải sự hoài nghi ở cả Mỹ và châu Âu do lo ngại sâu sắc về mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow. Theo nguồn tin của WSJ, bất chấp những nỗ lực ngoại giao, Bắc Kinh vẫn thận trọng trong việc thực hiện bất kỳ bước đi nào có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ chặt chẽ với Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tân Hoa Xã

Khi được hỏi về thông tin của WSJ tại cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 13-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn cho biết ông "không có thông tin nào để chia sẻ".

Ông Quách bày tỏ: "Trung Quốc vui mừng khi thấy Nga và Mỹ tăng cường liên lạc về một loạt các vấn đề quốc tế. Nga và Mỹ đều là những nước lớn có ảnh hưởng".

"Trung Quốc luôn tin rằng đối thoại và đàm phán là cách duy nhất khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng và luôn nhấn mạnh vào việc thúc đẩy hòa bình và đối thoại. Trung Quốc ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với các bên liên quan, cũng như tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

Bắc Kinh nhấn mạnh họ không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng nhưng đã liên tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình theo các điều khoản riêng.

Trước đây, phương Tây từng nhiều lần hối thúc Trung Quốc sử dụng mối quan hệ gần gũi với Nga để giúp chấm dứt cuộc xung đột.

Người dân Ukraine di tản. Ảnh: Tân Hoa Xã

Người dân Ukraine di tản. Ảnh: Tân Hoa Xã

Về phía Mỹ, Nhà Trắng từ chối xác nhận liệu họ có nhận được đề xuất của Trung Quốc hay không, bác bỏ chuyện đó là "hoàn toàn không khả thi", theo một quan chức Mỹ.

Sau các cuộc điện đàm ngày 12-2, Tổng thống Trump cho biết Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ mong muốn tìm kiếm hòa bình. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng ông đã ra lệnh cho các quan chức cấp cao Mỹ bắt đầu xúc tiến các cuộc đàm phán về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Theo Điện Kremlin, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã đồng ý gặp nhau. Ông Putin mời ông Trump đến thăm Moscow. Tổng thống Trump cho biết cuộc gặp đầu tiên của họ "có thể" sẽ sớm diễn ra tại Ả Rập Saudi.

Chưa có cuộc đàm phán hòa bình nào diễn ra kể từ giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden không liên lạc trực tiếp với Tổng thống Putin.

Hồi năm 2024, Trung Quốc và Brazil từng đưa ra kế hoạch chung, trong đó đề xuất tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế "vào thời điểm phù hợp" và kêu gọi cả Nga lẫn Ukraine cùng tham gia.

Bắc Kinh từ lâu đã tự định vị mình là một bên trung gian tiềm năng trong xung đột ở Ukraine, cử đặc phái viên về các vấn đề Á-Âu (ông Lý Huệ) đi công du châu Âu trong khi chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trung-quoc-la-chia-khoa-mo-cua-dam-phan-cham-dut-xung-dot-ukraine-196250213164310769.htm