Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump: Những mặt tích cực ít ai ngờ tới
Thông qua thuế quan, Tổng thống Trump có thể vô tình mở đường cho việc sắp xếp lại các mối quan hệ thương mại và sự xuất hiện của các khối kinh tế mới.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng, Washington, DC. Ảnh: Getty Images/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468659/5ebc496778299177c838.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng, Washington, DC. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Thuế quan của Mỹ - cả đe dọa và áp đặt - đối với các đối tác thương mại bao gồm Trung Quốc, Canada, Mexico và EU nhanh chóng gây ra làn sóng các biện pháp trả đũa. Các mặt hàng mới nhất trong tầm ngắm của Tổng thống Donald Trump là thép và nhôm - với mức thuế 25% được công bố cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Nhưng những loại thuế này không chỉ phá vỡ dòng chảy thương mại đã được thiết lập tốt mà còn làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của toàn cầu hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bất ổn này, có thể có một tia hy vọng. Thông qua thuế quan, Tổng thống Donald Trump có thể vô tình mở đường cho việc sắp xếp lại các mối quan hệ thương mại và sự xuất hiện của các khối kinh tế mới. Các quan hệ đối tác như vậy có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế kiên cường hơn và tập trung vào khu vực.
Đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại
Quyết định đánh thuế đối với các đối tác thương mại lớn của ông Trump đã phá vỡ các nguyên lý cơ bản của mô hình trọng lực về thương mại. Theo lý thuyết này, thương mại giữa hai quốc gia phần lớn được xác định bởi quy mô kinh tế và sự gần gũi về địa lý. Ví dụ, việc áp dụng thuế quan đối với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Mỹ và Canada - được hỗ trợ bởi đường biên giới chung của họ - về cơ bản làm tăng khoảng cách giữa hai quốc gia bằng cách tăng chi phí và giảm khối lượng thương mại song phương.
Tuy nhiên, những gián đoạn này có thể vô tình khuyến khích sự đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại. Khi các công ty và chính phủ tìm cách giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế quan, họ có thể bắt đầu khám phá các thị trường mới và chuỗi cung ứng thay thế. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến một hệ thống thương mại toàn cầu phân tán hơn và có khả năng ổn định hơn.
Tuy nhiên, khi Tổng thống Trump tiếp tục thử thách giới hạn quyền lực của mình, ông nhận ra rằng không dễ để chống lại “trọng lực trong thương mại”. Ông đã giảm bớt thuế đối với Canada và Mexico, trong khi Trung Quốc đáp trả bằng các biện pháp trả đũa.
![Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468659/7ae6623d5373ba2de362.jpg)
Ô tô điện được sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Củng cố các liên minh khu vực
Một tác động tích cực khác của cuộc chiến thương mại có thể là sự củng cố các liên minh khu vực. Khi các luồng thương mại truyền thống bị gián đoạn, các quốc gia ngày càng có động lực tăng cường quan hệ với các nền kinh tế láng giềng.
Canada và Mexico, từ lâu được coi là đối tác thương mại tự nhiên của Mỹ, có thể chuyển hướng sang làm sâu sắc hơn các hợp tác kinh tế. Họ cũng có thể tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các đối tác khác cũng như tìm kiếm thị trường mới, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản.
USMCA (Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada) tạo nên nền tảng vững chắc cho thương mại. Nhưng những nỗ lực phá bỏ thỏa thuận này có thể khiến Canada và Mexico đẩy nhanh nỗ lực xây dựng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các khu vực khác, giảm sự tiếp xúc của họ với thị trường Mỹ.
Các mức thuế thép theo kế hoạch của ông Trump đe dọa làm suy yếu USMCA. Rốt cuộc, nó được thiết kế để thúc đẩy chuỗi cung ứng tích hợp và hợp tác kinh tế thuế quan thấp giữa ba nước. Điều này có khả năng làm gia tăng căng thẳng thương mại trên toàn khối, buộc phải đánh giá lại các điều khoản chính của thỏa thuận thương mại và làm mất ổn định các mối quan hệ đã thiết lập.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468659/a67abda18cef65b13cfe.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Triển vọng của Liên minh châu Âu
Việc áp thuế đối với EU có thể dẫn đến sự hội nhập sâu sắc hơn giữa các quốc gia thành viên. Đối mặt với những áp lực mới từ Mỹ, EU có thể đẩy nhanh các sáng kiến nhằm củng cố thương mại nội bộ, điều hòa các quy định và thúc đẩy chuỗi cung ứng nội khối châu Âu.
Các quốc gia thành viên, với Pháp đi đầu, đã ủng hộ một phản ứng thống nhất để chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Họ hy vọng sẽ thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ để chống lại áp lực từ Tổng thống Trump.
Triển vọng với châu Á - Thái Bình Dương
Trung Quốc, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, có thể tìm cách mở rộng các mối quan hệ thương mại của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Vì mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lấy xuất khẩu làm động lực, nên nước này có thể tìm kiếm quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực và đầu tư vào các hiệp định thương mại mới. Điều này có khả năng tạo ra một cộng đồng kinh tế châu Á thậm chí còn hội nhập hơn.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Trong ảnh, thép cuộn tại nhà máy thép Hyundai ở Dangjin, phía Tây Nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468659/7fc5651e5450bd0ee441.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu. Trong ảnh, thép cuộn tại nhà máy thép Hyundai ở Dangjin, phía Tây Nam Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Một trật tự kinh tế mới
Dù có diễn biến thế nào đi nữa, những cuộc chiến thuế quan này báo hiệu sự sắp xếp lại bối cảnh kinh tế toàn cầu. Những sự gián đoạn như vậy, mặc dù gây đau đớn trong ngắn hạn, nhưng có thể tạo ra những thay đổi dài hạn giúp cân bằng lại các hệ thống kinh tế. Giả thuyết về đối tác thương mại tự nhiên củng cố quan điểm này bằng cách nhấn mạnh cách các quốc gia có chung mối quan hệ văn hóa, lịch sử và địa lý có khả năng làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế của họ khi đối mặt với những cú sốc bên ngoài.
Trong trật tự mới này, các siêu cường truyền thống có thể thấy mình bị thách thức bởi những phản ứng thống nhất từ các quốc gia khác. Bằng cách áp đặt thuế quan, Mỹ có nguy cơ tự cô lập mình khỏi các liên minh mới nổi này, trong khi các đối tác thương mại chính của nước này có thể đoàn kết trong nỗ lực chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng của Washington.