Trung Quốc lắp đặt điện gió và mặt trời nhiều hơn phần còn lại của thế giới

Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm, ngày 11/7, Trung Quốc đang củng cố vị thế dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, hiện nước này đang xây dựng công suất điện gió và mặt trời gấp đôi so với phần còn lại của thế giới.

Các tấm pin mặt trời ở sa mạc Gobi ở miền bắc Trung Quốc. Ảnh AFP

Các tấm pin mặt trời ở sa mạc Gobi ở miền bắc Trung Quốc. Ảnh AFP

339 GW đang được lắp đặt tại Trung Quốc

Với dân số khổng lồ (1,4 tỷ dân) và là quốc gia sản xuất với nhiều nhà máy, Trung Quốc là quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, mà theo các nhà khoa học, là nguyên nhân đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

Trung Quốc đã cam kết ổn định hoặc giảm lượng khí thải vào năm 2030, sau đó đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2060.

Do đó, gã khổng lồ châu Á đang phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo: Trung Quốc hiện đang xây dựng 180 gigawatt (GW) năng lượng mặt trời và thêm 159 GW năng lượng gió, theo nghiên cứu của tổ chức Global Energy Monitor (GEM) của Mỹ.

Theo báo cáo, “tổng số 339 GW này chiếm 64% năng lượng mặt trời và năng lượng gió đang đang được xây dựng trên toàn cầu, gần gấp đôi phần còn lại của thế giới cộng lại”.

Theo sau Trung Quốc là Mỹ (40 GW), Brazil (13 GW), Vương quốc Anh (10 GW) và Tây Ban Nha (9 GW), theo GEM, một tổ chức liệt kê các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo trên thế giới.

Than vẫn chiếm ưu thế

Nghiên cứu lưu ý rằng 339 GW này chiếm một phần ba tổng công suất điện gió và mặt trời mới được chính quyền các quốc gia công bố và việc xây dựng đã thực sự bắt đầu, “vượt xa” mức trung bình toàn cầu (7%).

Báo cáo cũng nhấn mạnh: “Sự tương phản rõ rệt giữa hai tỷ lệ này cho thấy sự chủ động của Trung Quốc trong việc thực hiện các cam kết đối với xây dựng các dự án năng lượng tái tạo”.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà máy điện đốt than, một loại năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nặng, để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.

Nước này cũng gặp khó khăn trong việc vận chuyển một phần năng lượng tái tạo được sản xuất ở các vùng sâu vùng xa đến các trung tâm kinh tế và dân cư đông đúc ở phía đông.

Tuy nhiên, theo GEM, tổng công suất năng lượng gió và mặt trời ở Trung Quốc dự kiến sẽ vượt qua năng lượng than trong năm nay.

Theo nghiên cứu, việc mở rộng nhanh chóng năng lượng tái tạo làm tăng hy vọng rằng lượng khí thải của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh sớm hơn dự kiến.

Bước ngoặt

Trong một báo cáo riêng được công bố hôm thứ Năm, Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (Crea), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Phần Lan, cũng khẳng định rằng Trung Quốc đã không cấp bất kỳ giấy phép mới nào cho các dự án nhà máy thép đốt than trong nửa đầu năm 2024.

Theo nghiên cứu này, đây có thể là “một bước ngoặt” khi nửa đầu năm đầu tiên không có giấy phép nào được cấp kể từ tháng 9/2020, khi Trung Quốc công bố lời hứa phát thải vào năm 2030 và 2060.

Báo cáo của Crea cho biết: “Với nhu cầu thép ở Trung Quốc đang lên đến đỉnh điểm, có tiềm năng đáng kể để loại bỏ dần hoạt động sản xuất dựa trên than đá, tạo cơ hội đáng kể để giảm lượng khí thải trong vài năm tới”.

Theo các nhà khoa học, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn.

Trung Quốc đang trải qua một mùa hè được đánh dấu bằng nắng nóng gay gắt ở phía Bắc và mưa xối xả ở nửa phía Nam.

Mưa lớn ở các khu vực phía Đông và phía Nam nước này cũng gây ra hàng loạt lũ lụt và lở đất chết người trong những tuần gần đây.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-lap-dat-dien-gio-va-mat-troi-nhieu-hon-phan-con-lai-cua-the-gioi-714201.html