Trung Quốc lên kế sách tranh thị trường vũ khí béo bở với Nga và Mỹ

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng máy bay nước này có cơ hội chen chân vào ttranh thị trường vũ khí béo bở với Nga và Mỹ.

Trung Quốc đã thành lập một văn phòng chuyên quảng bá máy bay chiến đấu tàng hình FC-31 (mà nước này khoe là được phát triển độc lập) trên thị trường quốc tế trong nỗ lực tích cực tìm kiếm khách hàng.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết trước sự cạnh tranh từ các đối tác nước ngoài, như F-35 của Mỹ và Su-75 của Nga, FC-31 của họ có những lợi thế riêng gồm công nghệ tiên tiến, giá cả dễ chịu, không có các hạn chế chính trị và dịch vụ hoàn chỉnh.

Trong một báo cáo được công bố vào đầu tuần này được giới thiệu bởi Zhan Qiang - Phó tổng giám đốc của Công ty Máy bay Thẩm Dương (SAC), thuộc Tổng công ty Công nghiệp Hàng không nhà nước của Trung Quốc - công ty nói rằng họ đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc khám phá thị trường vũ khí quốc tế với FC-31 là sản phẩm chủ lực.

Ông Zhan cho biết công ty đã tổ chức các nguồn lực nghiên cứu của SAC, chuyển đổi tư duy tiếp thị theo định hướng lập kế hoạch truyền thống và tích cực khám phá thị trường vũ khí cho các sản phẩm không quân cao cấp. Zhan đã tận dụng rất tốt các buổi biểu diễn trên không để giới thiệu những ưu điểm kỹ thuật của FC-31.

Công ty SAC khoe FC-31 sẽ trở thành một sản phẩm mang tính biểu tượng và mang đến trải nghiệm thực tế cho khách hàng.

Theo Zhan, họ đã tập hợp các nguồn lực từ công ty sản xuất, viện nghiên cứu và Tổng công ty Xuất nhập khẩu Công nghệ Hàng không Quốc gia Trung Quốc để thành lập văn phòng xúc tiến xuất khẩu FC-31 theo chiến thuật phát triển "tự định hướng tích cực thúc đẩy".

Đây cũng là một phần trong kế hoạch để FC-31 phục vụ hai thị trường cả trong nước và quốc tế.

Wei Dongxu, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh hôm 17.2 nói rằng thị trường máy bay chiến đấu tàng hình quốc tế còn lâu mới bão hòa và FC-31 sẽ rất cạnh tranh.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ chủ yếu nhắm vào các đồng minh và đối tác của Mỹ. Ông Wei đánh giá nhiều nước muốn mua F-35 nhưng họ thiếu ngân sách hoặc phải đối mặt với một loạt các hạn chế xuất khẩu do Mỹ đặt ra. Đồng thời lưu ý rằng Nga đã tiết lộ máy bay chiến đấu tàng hình Su-75 mới nhưng vẫn chưa thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Chính vì vậy, Wei cho rằng máy bay Trung Quốc có cơ hội chen chân vào thị trường máy bay chiến đấu. Ông phân tích: "FC-31 của Trung Quốc đã trưởng thành về mặt kỹ thuật, có thể được sản xuất hoàn toàn trong nước và được hưởng các lợi thế gồm công nghệ cao, giá cả chấp nhận được, không có các hạn chế chính trị và dịch vụ hoàn chỉnh. Bởi vậy Trung Quốc cũng có thể cung cấp đầy đủ các thiết bị và vũ khí trên không".

Wei dự đoán, Trung Quốc thậm chí có thể hợp tác sâu hơn với một khách hàng bằng cách xây dựng dây chuyền lắp ráp tại quốc gia của họ.

Các báo cáo ở Trung Quốc cho rằng FC-31 cũng sẽ trở thành máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo được trang bị trên tàu sân bay của Trung Quốc. Họ cho biết FC-31 là máy bay chiến đấu đa năng hạng trung một chỗ ngồi, hai động cơ với khả năng tàng hình vượt trội, khả năng nhận biết tình huống mạnh mẽ, khả năng cơ động cao, hậu cần tích hợp tiên tiến và hiệu quả chi phí tốt, theo nhà sản xuất.

Tuy nhiên, dự đoán của Trung Quốc có vẻ hơi lạc quan vì mua vũ khí cơ bản thì còn tính việc giá thành. Riêng việc mua vũ khí công nghệ cao thì các nước sẽ ưu tiên về truyền thống và thương hiệu lâu đời. FC-31 mới máy bay chiến đấu tàng hình thứ hai của Trung Quốc sau J-20, gần đây đã được trưng bày tại Airshow China ở Chu Hải, Quảng Đông từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.2021. Mua máy bay chiến đấu sẽ không giống như mua một chiếc smartphone.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-len-ke-sach-tranh-thi-truong-vu-khi-beo-bo-voi-nga-va-my-178221.html