Trung Quốc lên tiếng bảo vệ các biện pháp chống dịch COVID-19

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Reuters, ngày 11/5, phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tránh đưa ra những nhận xét "vô trách nhiệm", sau khi ông này cho rằng chính sách không COVID của Trung Quốc là không bền vững.

Bên cạnh đó, ông Triệu Lập Kiên cũng lên tiếng bảo vệ các biện pháp của Trung Quốc trong việc chống lại đại dịch và cho biết Trung Quốc hy vọng Tổng Giám đốc WHO có thể nhìn nhận các chính sách COVID của Trung Quốc một cách khách quan.

Chiến lược "không COVID" của Trung Quốc bao gồm việc tiến hành xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.

* Số liệu thống kê chính thức cho thấy lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần nửa năm, trước đà tăng chi phí kiểm soát dịch COVID-19 và giá hàng hóa cao.

Những tác động kinh tế từ chiến lược “không COVID” của Trung Quốc ngày càng phản ánh rõ hơn trong số liệu kinh tế, khi tình trạng phong tỏa tại các thành phố quan trọng như Thượng Hải ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và đẩy giá vận tải lên cao.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 4, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính của lạm phát bán lẻ, đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng cao hơn tháng trước.

Dong Lijuan, chuyên gia của NBS, cho rằng đà tăng của CPI là do các vấn đề như diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và đà tăng giá hàng hóa quốc tế.

Kể từ tháng 4, Thượng Hải, thành phố lớn nhất của Trung Quốc, gần như bị phong tỏa hoàn toàn. Hầu hết trong số 25 triệu cư dân của thành phố đã buộc phải ở lại nhà, trong khi hàng hóa chất đống tại các cảng của Thượng Hải.

Theo chuyên gia Dong Lijuan, giá nhiều mặt hàng như khoai tây, trứng và trái cây tươi đều tăng, do chi phí hậu cần cao hơn trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát và nhu cầu dự trữ tăng. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy sau 4 tháng giảm liên tiếp, giá lương thực nói chung đã tăng lần đầu tiên trong tháng 4.

Trong khi đó, Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 8%, cao hơn dự kiến, khi giá các mặt hàng như dầu thô và kim loại màu vẫn ở mức cao.

Chuyên gia Julian Evans-Pritchard của Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London, nhận định tình trạng gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ tiếp tục đẩy giá sản xuất lên cao.

Cũng trong tháng 4, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, khi sự gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19 dẫn đến tình trạng đóng cửa các nhà máy, hạn chế đi lại và tắc nghẽn tại các cảng chính.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết trong tháng 4 tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức 3,9%. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, con số này cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng trưởng 2,7%, nhưng là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

T.LÊ (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/276329/trung-quoc-len-tieng-bao-ve-cac-bien-phap-chong-dich-covid-19.html