Trung Quốc liên tục hành động khi Mỹ xa rời Trung Đông

Khi Tổng thống Trump đang để mắt đến việc rời đi Trung Đông, nhiều người đã chỉ trích ông vì từ bỏ vai trò mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong khu vực và dọn đường cho sự thống trị của Nga.

Tuy nhiên, trong cuộc tranh giành tìm đồng minh mới, các quốc gia trong khu vực này cũng đã chuyển sang một đối thủ thầm lặng hơn nhưng không kém phần mạnh mẽ của Hoa Kỳ: Trung Quốc.

Tổng thống Syria Bashar Assad đã ra tín hiệu về việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực trong tuần này khi ông tuyên bố kế hoạch tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường BRI. Nhưng ngay cả trước đó, Trung Quốc cũng đã cho thấy sự hiện diện trên thực tế ở mọi quốc gia trong Trung Đông.

Tăng cường hiện diện đầu tư

Giờ đây, họ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực và hy vọng sẽ củng cố vị thế đó với BRI, dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD nhằm hồi sinh các tuyến đường giao thông cổ xưa của Con đường tơ lụa - bao gồm cả các tuyến đường nối Trung Quốc với Trung Á và Trung Đông.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gia tăng, như cuộc chiến thương mại đang kéo dài, những diễn biến phía tây Thái Bình Dương và một cuộc đua giành ảnh hưởng ở Mỹ Latinh và Châu Phi. Bắc Kinh đã thành công lớn trong việc đưa nhiều quốc gia Trung Đông vào quỹ đạo của mình tại thời điểm Tổng thống Trump được coi là một "đồng minh đồng bóng".

Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông. Ảnh: Reuters.

Anubhav Gupta, phó giám đốc Viện Chính sách Xã hội Châu Á cho biết, Hoa Kỳ đã trở nên không nhất quán. Thế lực khu vực, bao gồm cả bạn bè của Hoa Kỳ, ngày càng coi Washington là một đối tác không đáng tin cậy. Họ (các nước khu vực) đang hình thành mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các cường quốc khác bởi vì họ cảm thấy sự không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với khu vực cũng như không rõ ràng về lập trường của Mỹ.

Ngược lại, có rất ít câu hỏi về cam kết của Bắc Kinh.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã tăng đều đặn trong 10 năm qua, với việc Bắc Kinh nổi lên như một đối tác lớn trong mua năng lượng, và khu vực này đáp ứng hơn 40% nhu cầu năng lượng của người khổng lồ châu Á.

"Chỉ riêng việc mua dầu, thay đổi nguồn cung cấp dầu, sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế của vùng vịnh và khu vực", Andrea Ghiselli, điều phối viên của ChinaMed, một dự án nghiên cứu của Trung Quốc-Ý tập trung vào vai trò của Trung Quốc ở khu vực Địa Trung Hải, cho biết.

Trung Quốc hiện đang duy trì được quan hệ với tất cả các bên đang căng thẳng tại Trung Đông như Iran và Saudi Arabia; Israel và Paletine; Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar cùng các nước trong khu vực vùng Vịnh. Bắc Kinh cũng sẵn sàng hợp tác với những chính quyền mà Mỹ coi là đối thủ, như ông Assad.

Với sự giúp đỡ của Iran và Nga, chính quyền Syria của ông Assad đã nổi lên như kẻ chiến thắng - ít nhất là về mặt quân sự - trong cuộc nội chiến kéo dài tám năm bắt đầu vào năm 2011. Nhưng khi phần lớn đất nước bị phá hủy, phải chịu nhiều trừng phạt kinh tế của Mỹ cũng như khó tiếp cận các quỹ phương Tây, ông Assad đã ra tín hiệu với Trung Quốc để bắt đầu một cuộc tái thiết trong tương lai.

"Hôm nay, chúng ta thấy rằng có một siêu cường, Trung Quốc, đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình trên thế giới", ông Assad nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Trung Quốc Phoenix hôm thứ Hai. Ông nói thêm chính phủ của ông đã đề xuất sáu dự án phù hợp với sáng kiến Vành đai và Con đường.

Con đường vũ khí

Cùng với nhiều hoạt động khác, Bắc Kinh cũng đã tiến hành cung cấp vũ khí cho khu vực. Khu vực này đang tràn ngập những vũ khí hạng nhẹ do Trung Quốc sản xuất và Bắc Kinh cũng cung cấp đạn và tên lửa cho nhiều chính phủ khác nhau.

Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang khu vực này về tổng thể vẫn còn rất nhỏ so với Hoa Kỳ và Nga, đặc biệt là khi nói đến các hệ thống vũ khí và phòng thủ hạng nặng. Nhưng Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc xuất khẩu máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) hay máy bay không người lái vũ trang sang các nước Trung Đông phải đối mặt với những hạn chế từ Hoa Kỳ.

Từ năm 2014 đến 2018, Trung Quốc đã xuất khẩu 153 UCAV sang 13 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Iraq, Jordan, Ả Rập Saudi và Emirates, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, và họ đã tìm đường đến chiến trường xa tận Libya. Hoa Kỳ chỉ xuất khẩu 5 chiếc trong cùng thời kỳ, tất cả sang Vương quốc Anh.

Theo Viện nghiên cứu Stockholm, 52% phần trăm xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ, lớn hơn bảy lần so với xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu, là đi đến Trung Đông. Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu vũ khí sang châu Á và châu Đại Dương, và Trung Đông chỉ chiếm 6,1% trong xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc từ 2014-2018.

Mặc dù sự hiện diện của Hoa Kỳ bị thu hẹp trong khu vực, nhưng không rõ Bắc Kinh sẽ phải đi bao xa để lấp đầy khoảng trống này, đặc biệt là với tình trạng khó khăn trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc hiện tại. Sự gia tăng ảnh hưởng này cũng đòi hỏi phải trả giá về tài chính và quân sự tại thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại.

Trung Quốc vẫn thiếu sự sẵn sàng và năng lực để đóng vai trò là cảnh sát trưởng như Hoa Kỳ, ông Gupta nói.

Ghiselli cũng đồng ý với nhận định. Sau tất cả, mọi người đều biết rằng có một giới hạn về những gì Trung Quốc có thể làm và những gì Trung Quốc sẵn sàng làm.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/trung-quoc-lien-tuc-hanh-dong-khi-my-xa-roi-trung-dong-20191218151942765.htm