Trung Quốc mở cửa trở lại khiến giá đồng tăng cao
Giá đồng đã tăng rất mạnh trên thị trường kim loại London, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Giá 1 tấn đồng đã tăng rất mạnh trên thị trường kim loại London, lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Báo La Tribune mới đây cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do thị trường đang thiếu hụt về mặt cấu trúc, trong khi triển vọng nhu cầu ngày càng tăng do quá trình chuyển đổi năng lượng tạo ra.
Giá đồng thế giới đang đạt mức cao nhất trong 7 tháng qua. Cuối tuần trước, trên Sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn ở mức trên 9.120 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Sức hút đầu tư đã được khơi dậy trong những ngày gần đây khi Chính phủ Trung Quốc quyết định chấm dứt chính sách phòng dịch “Zero COVID” (Không COVID) và mở cửa biên giới trở lại. Chính phủ Trung Quốc đang cho thấy rõ nỗ lực vực dậy nền kinh tế vốn rất trì trệ trong năm 2022.
Nhưng vấn đề là ở chỗ cùng với nhiều lĩnh vực khác, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu về đồng. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ kim loại đỏ lớn nhất thế giới, với gần 50% sản lượng đồng toàn cầu.
Sự trở lại của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh thị trường đồng thế giới đang có sự thiếu hụt về mặt cấu trúc. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Kim loại Thế giới (WBMS), trong tháng 1-10/2022, thị trường đồng thế giới thiếu hụt 693.000 tấn.
Năm 2021, con số này là 336.000 tấn. Bởi tuy sản lượng đồng tinh luyện của thế giới năm 2022 tăng 1,4%, đạt 20,57 triệu tấn, tốc độ tiêu thụ vẫn nhanh hơn, khoảng 3,7% trong thời gian từ tháng 1-10/2022, đạt 21,27 triệu tấn. Bất chấp chính sách Zero COVID, nhu cầu của Trung Quốc vẫn tăng 5,4%, lên 11,88 triệu tấn.
Theo đánh giá của Glencore, một tập đoàn khai thác mỏ hàng đầu thế giới của Anh và Thụy Sỹ, từ năm 2022 đến năm 2030, mức thiếu hụt tích lũy có thể lên tới 50 triệu tấn đồng.
Trong trung hạn, kim loại đỏ sẽ càng trở nên đắt đỏ hơn do công dụng vượt ra ngoài những lĩnh vực truyền thống như xây dựng, ô tô, điện tử… Đồng ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các cơ sở hạ tầng và sản phẩm liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng như mạng lưới điện, turbin gió, tấm pin Mặt Trời và pin cho các loại xe điện.
Theo báo cáo thường niên “Triển vọng Công nghệ Năng lượng 2023” của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố ngày 12/1, xét về khối lượng, đồng là kim loại có tầm quan trọng chủ chốt, chiếm 70% tổng lượng tiêu thụ kim loại quan trọng cho năng lượng sạch vào năm 2021, cho dù việc sử dụng lithium và cobalt đã tăng nhiều hơn về tỷ lệ phần trăm kể từ năm 2016.
Trên thực tế, sự căng thẳng về nguồn cung đồng đã được phản ánh trong sản xuất năng lượng sạch. Chi phí sản xuất turbin gió bên ngoài Trung Quốc đang tăng trở lại sau nhiều năm giảm do giá nguyên liệu như thép và đồng tăng gấp đôi từ nửa đầu năm 2020 đến nửa đầu năm 2022. Xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy trong sản xuất các tấm pin Mặt Trời.
Giá kim loại đỏ cao đang được xem là động lực để phát triển các dự án mới. Theo tính toán của Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG), hiện thế giới đang có một số dự án có công suất mới khoảng 11 triệu tấn sẽ được đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2019-2024. Tất nhiên, đóng góp quan trọng cho sự năng động này vẫn là Trung Quốc, một quốc gia đóng vai trò trung tâm trên thị trường đồng.
IEA cho biết, trong lĩnh vực sản xuất đồng, Trung Quốc sẽ chiếm 80% công suất bổ sung được công bố đến năm 2030. Nước này cũng chiếm ưu thế về công suất tinh chế đã công bố đối với các kim loại chiến lược được sử dụng trong sản xuất pin, ví dụ 95% đối với cobalt và khoảng 60% đối với lithium và niken.
Nếu tái chế vẫn cần được tiếp tục phát triển, với tỷ lệ hiện tại là 46% đối với đồng (so với 86% đối với vàng và 60% đối với niken), thì nguồn cung vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khai thác mỏ. Theo số liệu của WBMS, trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác toàn cầu đạt 17,9 triệu tấn tinh quặng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, hiện có những khó khăn tạo thêm áp lực cho sản xuất đồng của thế giới. Tại Chile, quốc gia đáp ứng 1/4 khối lượng tiêu thụ trên thế giới, sản lượng đã giảm 6% trong năm 2022 do sự già hóa của các mỏ và cũng do điều kiện khí hậu khó khăn, đặc biệt trong vấn đề thủy lợi (cần trung bình 30 m3 nước để khai thác 1 tấn quặng đồng).
Giá đồng tăng cao cũng là nguyên nhân gây tranh chấp giữa nhiều tập đoàn khai thác mỏ và các chính phủ. Tại Panama, việc khai thác mỏ đồng lớn nhất khu vực Trung Mỹ, nằm trên bờ biển Caribe, đang diễn ra hết sức chậm chạp. Chính phủ nước này đang đàm phán lại với tập đoàn khai khoáng First Quantum Minerals của Canada để thu lợi tối đa từ việc đồng tăng giá. Tập đoàn Canada đã đầu tư hơn 10 tỷ USD để phát triển khu mỏ sử dụng hơn 7.000 nhân viên và sản xuất 85 triệu tấn quặng để có thể thu về 300.000 tấn đồng thành phẩm mỗi năm.
Dù thế nào thì phần thắng vẫn thuộc về các tập đoàn khai khoáng mà lợi nhuận được cho là không khác gì so với các tập đoàn dầu khí. Điều này được phản ánh tại chứng chỉ quỹ Global X Copper Miners ETF - một quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu các công ty khai mỏ đồng. Chỉ số cổ phiếu của 43 tập đoàn sản xuất đồng lớn nhất thế giới này đã tăng 43% trong vòng 6 tháng và cho thấy tăng trưởng tích lũy là 100% trong 3 năm./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/trung-quoc-mo-cua-tro-lai-khien-gia-dong-tang-cao/277349.html