Trung Quốc muốn cấm giới trẻ dùng teencode

Văn hóa teencode của giới trẻ Trung Quốc không những dễ gây nhầm lẫn cho người lớn tuổi, mà còn được cho là mối đe dọa đối với tiếng mẹ đẻ.

Phương tiện truyền thông Trung Quốc đã sản sinh ra lượng từ lóng trực tuyến phong phú và thay đổi nhanh chóng, một phần để giới trẻ lách khỏi sự kiểm duyệt Internet gắt gao của chính phủ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với văn hóa đại chúng nhằm loại bỏ những gì được coi là ảnh hưởng xấu tới giới trẻ, một số từ lóng thông dụng trên mạng xã hội nước này đang bị cơ quan truyền thông xử lý.

Hành động trên cho thấy ý định của Bắc Kinh trong việc kiểm soát ngôn ngữ Internet, mặc dù các nhà ngôn ngữ học nói rằng nỗ lực này có thể là vô ích, theo VICE.

 Sử dụng từ lóng là cách phổ biến mà Gen Z Trung Quốc trò chuyện với nhau. Ảnh: VCG.

Sử dụng từ lóng là cách phổ biến mà Gen Z Trung Quốc trò chuyện với nhau. Ảnh: VCG.

Teencode gây bức xúc

Trong những năm gần đây, nhiều thanh niên Trung Quốc có xu hướng sử dụng bảng chữ cái pinyin - từ mới được hình thành bằng cách kết hợp các chữ cái đầu của những ký tự Trung Quốc Latin hóa.

Cách viết này ban đầu được sử dụng nhằm tránh khỏi sự kiểm duyệt Internet, bao gồm những từ tục tĩu hoặc nhạy cảm về mặt chính trị. Dần dần, loại teencode mới này được áp dụng cho cả những từ phi chính trị, biến nó trở thành dạng mật mã riêng của thanh niên xứ tỷ dân.

Một trong những từ thông dụng hàng đầu của Gen Z Trung Quốc là “yyds”, nhằm mô tả một cái gì đó ngoạn mục và vĩ đại.

Chẳng hạn, một người có thể nói “trà sữa yyds” để bày tỏ tình yêu với loại đồ uống này, hoặc “chiếc áo này thật yyds” nhằm khen ngợi trang phục yêu thích của họ.

Những từ ngữ như “yyds” gây ra sự nhầm lẫn, khó hiểu cho những người không quen thuộc với văn hóa Internet của Gen Z. Nó cũng dẫn đến sự chỉ trích từ các cá nhân bảo thủ - những người coi dạng teencode này là mối đe dọa đối với ngôn ngữ Trung Quốc.

 Từ cuối tháng 8, Bắc Kinh "ra tay" đối với văn hóa teencode của giới trẻ. Ảnh: Dave Tacon/WWD.

Từ cuối tháng 8, Bắc Kinh "ra tay" đối với văn hóa teencode của giới trẻ. Ảnh: Dave Tacon/WWD.

Trong một bài bình luận được công bố vào tuần trước, hãng thông tấn nhà nước Xinhua cho biết người dùng Internet Trung Quốc đang mắc chứng “rối loạn ngôn ngữ” vì họ không thể bày tỏ cảm xúc của mình nếu không sử dụng meme hay teencode như “yyds”.

Đài truyền hình nhà nước CCTV cũng kêu gọi mọi người ngừng sử dụng từ “sanbing” (lính nhảy dù) như cách viết tắt của “shabi” - một từ chửi thề ám chỉ bộ phận sinh dục.

“Lính nhảy dù là một nghề đáng tôn vinh và tự hào. Mọi người không nên bêu xấu từ ngữ này”, CCTV cho biết trong một bài đăng trên Weibo tuần vừa qua.

Sau làn sóng chỉ trích, Bilibili, trang web chia sẻ video phổ biến với Gen Z Trung Quốc, cho biết họ sẽ cấm người dùng tấn công nhau bằng các từ lóng như “sanbing” hay “NMSL” - ám chỉ mẹ của đối phương đã qua đời.

Các cuộc tấn công vào mảng teencode trở nên phổ biến trên Internet khi chính phủ Trung Quốc thiết lập một loạt quy định mới, từ thời gian chơi game mỗi tuần, văn hóa thần tượng của giới trẻ, cho đến các loại lớp học thêm họ có thể tham gia sau giờ học.

 Các trang mạng xã hội bắt đầu siết chặt văn hóa thần tượng của giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Xia Wenning/China Daily.

Các trang mạng xã hội bắt đầu siết chặt văn hóa thần tượng của giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Xia Wenning/China Daily.

Không thể triệt tiêu

Sheng Zou, một nhà nghiên cứu về truyền thông và chính trị Trung Quốc tại ĐH Michigan (Mỹ), cho biết từ lóng trực tuyến gắn liền với danh tính thế hệ của giới trẻ Trung Quốc và cảm xúc chung của họ.

Tuy nhiên, đối với các nhà chức trách, những thuật ngữ thô tục và châm biếm này đang thách thức tính lịch sự của không gian mạng và hình thức thẩm mỹ chuẩn mực mà họ đang cố quảng bá tới công dân trẻ tuổi.

Những lời chỉ trích căng thẳng từ các phương tiện truyền thông nhà nước đã gây ra một làn sóng phản ứng dữ dội. Nhiều người dùng Internet chỉ ra rằng bản thân các cơ quan nhà nước cũng đang sử dụng kiểu teencode tương tự để thu hút giới trẻ như thế nào.

Chẳng hạn, trong thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo, tờ People’s Daily đã gọi đội bóng bàn quốc gia là “yyds”.

“Suy cho cùng, sáng tạo từ vựng và thay đổi phong cách cũng chỉ là cách con người sử dụng ngôn ngữ mà thôi”, một người bình luận.

 Các chuyên gia tin rằng giới trẻ sẽ còn biến đổi teencode để phù hợp với xu hướng tình hình. Ảnh: STR/AFP.

Các chuyên gia tin rằng giới trẻ sẽ còn biến đổi teencode để phù hợp với xu hướng tình hình. Ảnh: STR/AFP.

Một số khác đồng tình rằng chính sự kiểm duyệt gắt gao của nhà nước đã thúc đẩy người dùng Internet tạo ra những từ lóng chửi thề ngay từ đầu.

“Khi bạn cấm ngôn ngữ xấu, những cụm từ phổ biến hơn sẽ trở thành ngôn ngữ xấu để thay thế”, một tài khoản cho biết.

David Moser, một nhà ngôn ngữ học từ Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, cho biết trong những năm qua, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát văn hóa không gian mạng, song rất khó để điều chỉnh ngôn ngữ online bởi teencode và meme mới phát triển liên tục.

“Đây là kiểu thái độ gia trưởng, bó hẹp đối với giới trẻ và Internet. Nó gần như trò mèo vờn chuột vậy. Với mỗi từ lóng thú vị họ sáng tạo nên, bạn chặn nó. Nhưng rồi mọi người sẽ luôn nghĩ ra cái mới hơn và tốt hơn thôi”, ông nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-muon-cam-gioi-tre-dung-teencode-post1260754.html