Trung Quốc nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam từ 1/7/2022
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu thí điểm chanh leo sang thị trường này bắt đầu từ 1/7/2022.
Chanh leo Việt Nam được xuất khẩu thí điểm sang Trung Quốc từ 1/7.
Theo Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Tây như Bằng Tường, Đông Hưng...
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ... nhằm đảm bảo chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang thị trường này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đưa ra 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép xuất hiện trong chanh leo khi nhập khẩu vào thị trường nước này.
Phía Trung Quốc cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp trong việc lấy mẫu kiểm tra trong các lô hàng xuất khẩu, đồng thời việc sản xuất chanh leo phải đáp ứng các yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP.
Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo từ ngày 1/7 là kết quả từ sự nỗ lực Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan trong suốt thời gian dài đàm phán vừa qua.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các thông tin đăng ký bao gồm: tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc...
Hàng năm, trước thời kỳ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức.
Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc liên hệ đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn.
Trong 5 năm qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador.
Hiện, chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như: Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thụy Sỹ.
Riêng Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với lợi thế vùng sản xuất lớn tại Tây Nguyên, Ninh Bình, Sơn La đã xuất khẩu lượng chanh leo lớn đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là châu Âu.
Sản phẩm từ quả chanh leo đang được sản xuất chủ yếu tại nhà máy Doveco Gia Lai như: nước chanh leo cô đặc, nước chanh leo NFC và ruột chanh leo đông lạnh, hiện đang là sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu của Công ty Đồng Giao.
CTCP Nafoods Group cũng là doanh nghiệp có sản lượng chanh leo xuất khẩu lớn của Việt Nam, đặc biệt là dòng chanh leo cô đặc. Chanh leo Nafoods hiện tại đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới như: châu Âu, châu Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, thị trường chủ đạo là châu Âu, hiện đang chiếm hơn 70% sản lượng xuất khẩu của Nafoods.