Trung Quốc nhiệt tình kết nối với doanh nghiệp nước ngoài trước làn sóng rút khỏi Đại lục

Trung Quốc đang nhiệt tình hơn trong việc giữ chân các tập đoàn đa quốc gia, cũng như mời gọi doanh nghiệp nước ngoài tới hoạt động trong bối cảnh dòng vốn ngoại muốn tìm thị trường mới.

Lần đầu tiên trong 25 năm qua, khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham) cho thấy, chưa tới một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát xếp hạng Trung Quốc trong Top 3 thị trường ưu tiên đầu tư. Đồng thời, số lượng công ty cân nhắc xây dựng lại hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc, hoặc thuê sản xuất tại các thị trường khác tăng 10% so với cách đây 1 năm.

Theo đại diện AmCham, khảo sát này được thực hiện từ cuối năm 2022, nhưng kết quả này cho tới nay chưa có thay đổi đột biến, ngay cả khi Trung Quốc chấm dứt các biện pháp phòng dịch ngặt nghèo.

Trong bối cảnh tâm lý và động lực của doanh nghiệp/nhà đầu tư quốc tế thay đổi, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực hơn trong việc giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài, nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Chẳng hạn, chính quyền các địa phương nhiệt tình gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp nhằm thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Mới đây, lãnh đạo cấp cao tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) trực tiếp chào đón Chủ tịch Foxconn Young Liu trong chuyến thăm của ông tới cơ sở sản xuất của Công ty tại Hà Nam. Foxconn hiện đang điều hành nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất trên thế giới tại đây.

Tại Trung Quốc, việc Bí thư địa phương gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp đồng nghĩa với việc các quyết định liên quan tới hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh sẽ được triển khai nhanh hơn.

Trong giai đoạn phòng dịch Covid nghiêm ngặt năm 2022, cơ sở sản xuất của Foxconn tại Trịnh Châu trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý khi gần 200.000 công nhân quyết định rời khỏi nhà xưởng về nhà, chống lại quy định phòng dịch. Do sự kiện này, Apple cho biết phải trì hoãn việc giao hàng đối với sản phẩm mới nhất là iPhone 14.

Sau khi chính sách zero-Covid thay đổi, vào tháng 2/2023, nhà máy tại Trịnh Châu đã hoạt động hết công suất, công nhân phải làm việc 2 ca trong ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, theo chia sẻ của Foxconn.

Ngày 2/3/2023, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố lần đầu tiên trong lịch sử sẽ tổ chức sự kiện “Invest in China Year” (Năm đầu tư vào Trung Quốc). Theo lãnh đạo bộ này, Trung Quốc đang rất mong chờ được hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia tới hoạt động/đầu tư vào thị trường địa phương.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Thương mại, lãnh đạo cấp cao các tập đoàn Apple, Pfizer, Mercedes-Benz… nằm trong danh sách các doanh nghiệp đang muốn gặp gỡ, thảo luận về cơ hội đầu tư tại Trung Quốc. Hàng tá tập đoàn đa quốc gia lớn muốn trò chuyện cùng Bộ trưởng trong các cuộc gặp gỡ cấp cao.

Cần nhấn mạnh, hoạt động đầu tư vào thị trường Trung Quốc vẫn duy trì tăng trưởng. Trong tháng 1/2023, FDI của Trung Quốc tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 127,69 tỷ nhân dân tệ (18,39 tỷ USD), theo số liệu của Bộ Thương mại. Tốc độ này gây ấn tượng so với mức tăng trưởng 6,3% cả năm 2022.

Hàn Quốc, Đức và Anh là các quốc gia rót vốn mạnh nhất vào thị trường Trung Quốc trong năm 2022. Đối với một số địa phương, hoạt động của nhóm doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Chẳng hạn, theo số liệu mới nhất của tỉnh Hà Nam, Foxconn chiếm 84% lượng hàng hóa xuất khẩu của tỉnh năm 2019.

Tư Thuần

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-nhiet-tinh-ket-noi-voi-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-truoc-lan-song-rut-khoi-dai-luc-d184798.html