Trung Quốc: Nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát Covid-19 mới

Đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực cao nhất nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời giữ thành quả của chiến lược 'không Covid' mà nước này theo đuổi lâu nay.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông).

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông).

Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), sau hai ngày vượt quá 1.000 ca/ngày, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại nước này đã tăng lên trên 3.000 ca/ngày, tại nhiều địa phương, trong đó 90% tập trung tại tỉnh Cát Lâm. Tốc độ gia tăng nhanh chóng khiến số ca bệnh được ghi nhận từ đầu năm 2022 tới nay đã vượt qua mức tổng của toàn năm 2021. Đến hết ngày 14-3, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 120.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó 4.636 người đã tử vong.

Đợt bùng phát dịch lần này đã ảnh hưởng đến ít nhất 19 khu vực cấp tỉnh trên tổng số 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc. Giới chức y tế địa phương cho rằng, nguyên nhân khiến làn sóng Covid-19 mới lây lan mạnh là do biến chủng Omicron. Biến chủng này tuy không gây triệu chứng nặng nhưng khó phát hiện hơn so với Delta.

Để ứng phó với diễn biến mới, chính quyền Trung Quốc cho phép sử dụng phổ biến các bộ xét nghiệm nhanh. Người dân giờ đây đã được phép mua bộ xét nghiệm trực tiếp tại các cửa hàng hoặc trực tuyến. Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc ngày 15-3 cũng đã chuyển hướng nhiều chuyến bay quốc tế do tình hình dịch phức tạp. Cùng với đó, hàng loạt biện pháp chống dịch cũng được siết chặt ở nhiều thành phố lớn, trong bối cảnh quan chức y tế Trung Quốc nhấn mạnh sẵn sàng áp dụng những hình thức hạn chế nghiêm ngặt để chống dịch.

Tại Bắc Kinh, du khách trong 7 ngày đầu tiên tới thành phố không được tham gia tụ tập đông người. Trong khi đó, Thanh Đảo (Sơn Đông) và một số thành phố tại tâm dịch Cát Lâm đã hạn chế người dân đi lại. Tại Thượng Hải, người dân ra vào thành phố phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ. Hơn 157 công viên và dịch vụ xe buýt công cộng ở trung tâm tài chính này đều đã dừng hoạt động. Về phần mình, để chuẩn bị cho việc xét nghiệm toàn bộ 17 triệu dân, thủ phủ công nghệ Thâm Quyến (Quảng Đông) phong tỏa tới hết ngày 20-3, đồng thời yêu cầu đóng cửa các khu công nghiệp.

Bên cạnh các nỗ lực về y tế, Trung Quốc cũng xử lý nghiêm những quan chức thiếu trách nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát dịch bệnh. Hệ quả là ít nhất 26 quan chức tại Quảng Đông, Cát Lâm, Sơn Đông vừa bị cách chức vì sai sót trong công tác xử lý dịch bệnh. Những động thái này là sự nhắc nhở đối với lực lượng chống dịch về việc không được lơ là cảnh giác, bởi chỉ sơ hở nhỏ cũng có thể hủy hoại những thành tựu trước đây. Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia hô hấp tại Bệnh viện số 1 của Trường Đại học Bắc Kinh Wang Guangfa đánh giá, cách làm đầy quyết liệt đã cho thấy Trung Quốc rất coi trọng bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân.

Giới quan sát cũng nhận định, những nỗ lực nhằm chấm dứt làn sóng lây nhiễm mới sẽ có nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế đối với Trung Quốc, trong bối cảnh các tỉnh, thành có nguy cơ lây nhiễm cao chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số một châu Á này. Thực tế, trong làn sóng lây nhiễm mới, những biện pháp cứng rắn đã buộc hàng loạt dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoạt động. “Thung lũng Silicon của Trung Quốc” Thâm Quyến là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời là cụm sản xuất quan trọng của nhiều thương hiệu lớn. Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm là nơi xuất xưởng tới 11% sản lượng ô tô của Trung Quốc.

Có thể thấy, Bắc Kinh đang dồn nỗ lực cao nhất cho việc sớm dập tắt làn sóng lây nhiễm mới, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, bảo đảm chiến lược “không Covid” tiếp tục được duy trì.

Theo Hà Nội mới

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/the-gioi/trung-quoc-no-luc-kiem-soat-dot-bung-phat-covid-19-moi-155860.html