Trung Quốc nói đang cân nhắc khả năng đàm phán thương mại với Mỹ

Trung Quốc cho biết họ đang xem xét lời đề nghị của Mỹ để khởi động các cuộc đàm phán thương mại, có khả năng mở đường cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu đàm phán để giải quyết xung đột thương mại.

Trong một tuyên bố ngày hôm nay 2/5, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các quan chức cấp cao của Mỹ gần đây đã liên hệ với phía Trung Quốc "thông qua các bên liên quan nhiều lần", hy vọng sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về thuế quan với Bắc Kinh.

Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải áp thuế trả đũa 125%. Ảnh minh họa: AFP

Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải áp thuế trả đũa 125%. Ảnh minh họa: AFP

Trong khi xem xét khả năng khởi động bất kỳ cuộc đàm phán nào, chính quyền Trung Quốc vẫn nhắc lại yêu cầu Mỹ bãi bỏ mọi mức thuế quan đơn phương. Không làm như vậy sẽ cho thấy "sự thiếu chân thành hoàn toàn" từ Washington và "làm tổn hại thêm lòng tin lẫn nhau", đài CNBC dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc.

"Nếu Mỹ muốn đàm phán, họ nên thể hiện sự chân thành và sẵn sàng sửa chữa các hành vi sai trái của mình và hủy bỏ các mức thuế quan đơn phương", theo tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Sau khi trở lại nắm quyền Nhà Trắng vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay đã áp thuế 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Trung Quốc phải áp thuế trả đũa 125%. Cho đến nay, cả hai bên đều tìm cách giảm thiểu tác động kinh tế của thuế quan bằng cách miễn trừ cho một số sản phẩm quan trọng.

Những tuyên bố mới nhất từ Bắc Kinh diễn ra sau một loạt thông tin trái ngược nhau từ chính quyền Tổng thống Trump và giới chức Trung Quốc về việc liệu các cuộc đàm phán sẽ diễn ra hay không, khi cả hai bên đều muốn tránh bị coi là bên đầu tiên lùi bước.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã phát biểu trên kênh Fox News rằng "người Trung Quốc muốn gặp mặt và đàm phán", đồng thời ám chỉ rằng các cuộc đàm phán như vậy sẽ sớm diễn ra.

Bắc Kinh cũng dường như đang ra hiệu rằng họ sẵn sàng tham gia đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc đạt được một thỏa thuận toàn diện sẽ là một nỗ lực phức tạp và tốn thời gian.

Bà Dan Wang, giám đốc quốc gia Trung Quốc tại công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group, cho rằng quân bài bí ẩn mà Bắc Kinh phải đối mặt trước khi tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào là sự khó đoán của Tổng thống Trump.

"Cuộc đàm phán khó bắt đầu vì ông Trump vốn khó đoán. Trung Quốc sẽ không mạo hiểm mất quyền kiểm soát tình hình chỉ vì mục đích đàm phán", bà Wang nhận xét. Nhà phân tích của Eurasia Group cũng cho rằng cả hai bên sẽ chỉ sắp xếp đàm phán công khai sau khi tất cả các chi tiết được thống nhất kín.

"Một kịch bản có khả năng xảy ra hơn là một thỏa thuận 'đình chiến' đau đớn kéo dài với cả hai bên khi thực hiện lùi bước theo kiểu của riêng mình trên thực tế mà không lùi bước về mặt chính trị trước công chúng. Điều này rất có thể kéo dài trong toàn bộ nhiệm kỳ của ông Trump", bà Wang lưu ý.

Tuy nhiên, bản chất của các cuộc đàm phán như vậy - nếu diễn ra - cũng sẽ phụ thuộc vào các ưu tiên chiến lược và ranh giới đỏ về kinh tế của cả hai bên, nếu cả hai bên đều tỏ ra ít muốn thỏa hiệp.

"Quá trình này có thể sẽ rất nhạy cảm, vì cả hai bên đều sẽ miễn cưỡng nhượng bộ về các vấn đề mà họ cho là quan trọng đối với an ninh kinh tế quốc gia của mình", ông Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc của The Conference Board, nhận định.

Cố vấn cấp cao của The Conference Board lưu ý: "Một trong những yêu cầu chính của Trung Quốc là đưa mức thuế trở lại mức trước 'ngày giải phóng' (ngày 2/4 - ngày mà Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng với các đối tác thương mại), ít nhất là trong thời gian đàm phán. Một động thái như vậy có thể là sự hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp ở cả hai bên; tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp nhận đề xuất này như thế nào".

Trong khi đó, các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, khẳng định rằng có thể sẽ có sự giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc.

Bộ trưởng Bessent, người phần lớn ủng hộ kế hoạch thuế quan rộng rãi của Tổng thống Trump, đã trả lời phỏng vấn của Fox Business Network rằng mức thuế quan hiện tại của Mỹ - Trung là "không bền vững đối với phía Trung Quốc" và một "thỏa thuận lớn" có thể được thực hiện giữa hai nền kinh tế.

“Mọi thứ đều nằm trên bàn đàm phán cho mối quan hệ kinh tế. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ muốn đạt được thỏa thuận. Và như tôi đã nói, đây sẽ là một quá trình gồm nhiều bước”, Bộ trưởng Bessent cho biết.

“Đầu tiên, chúng ta cần hạ nhiệt, và sau đó theo thời gian, chúng ta sẽ bắt đầu tập trung vào một thỏa thuận thương mại lớn hơn”, tư lệnh ngành tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời phỏng vấn của đài CNBC, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết hai chính phủ "đã có những cuộc thảo luận khá lỏng lẻo", đồng thời nói thêm rằng việc Trung Quốc gần đây nới lỏng thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ cho thấy "họ đã rất gần với việc đạt được tiến triển mà chúng ta cần để thúc đẩy tiến trình".

Mới đây, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp về việc miễn thuế cao đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu, sau khi bãi bỏ thuế quan đối với một loạt các sản phẩm điện tử vào đầu tháng 4.

Theo Reuters, Trung Quốc cũng đã miễn thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ, chẳng hạn như dược phẩm, thiết bị hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và chất hóa học ethan, đồng thời lấy ý kiến doanh nghiệp về các mặt hàng họ cần nhập khẩu mà không phải trả thêm thuế.

"Mặc dù trên thực tế, thuế quan có hiệu lực ở cả hai bên đã giảm, nhưng lập trường chính trị [từ Bắc Kinh] vẫn không thay đổi", bà Wang từ Eurasia Group cho biết. Bởi lẽ, Bắc Kinh đã tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ phải bãi bỏ mọi mức thuế để có thể ngồi vào bất kỳ cuộc đàm phán thương mại có ý nghĩa nào.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-noi-dang-can-nhac-kha-nang-dam-phan-thuong-mai-voi-my-d275932.html