Công cụ cấp bách để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025

Chi tiêu công là một công cụ cần thiết và cấp bách để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tác động từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đứng trước thách thức lớn khi Mỹ – đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam áp dụng mức thuế nhập khẩu cao lên hàng hóa từ Việt Nam.

Hiện nay, thuế quan mà Mỹ áp dụng lên hàng hóa Việt Nam đã là 25% đối với thép, 10% đối với tất cả các mặt hàng khác (trừ đồng, vàng, chất bán dẫn, các bộ phận ô tô, thuốc y tế, năng lượng, và khoáng sản mà Mỹ không có, được áp dụng quy chế tối huệ quốc).

Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một mô hình định lượng đơn giản nhằm xác định vai trò và quy mô cần thiết của chi tiêu công để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Về dài hạn, Việt Nam cần chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất tổng hợp, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, và phát triển thị trường nội địa. Ảnh: Nguyễn Huế

Về dài hạn, Việt Nam cần chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất tổng hợp, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, và phát triển thị trường nội địa. Ảnh: Nguyễn Huế

Bối cảnh và vấn đề đặt ra

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam năm 2024 đạt hơn 476 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,5 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu là 380,7 tỷ USD.

Thương mại với Mỹ: Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 136,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Mỹ chỉ 13,1 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư thương mại lên tới 123,4 tỷ USD.

Thương mại với Trung Quốc: Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, ước tính lên tới -82,8 tỷ USD.

Thương mại với các nước khác ngoài Mỹ: Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại với các quốc gia còn lại, với tổng giá trị ước tính khoảng -98,6 tỷ USD.

Những số liệu này cho thấy, về xuất khẩu, Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ, khi đây là đối tác xuất khẩu chủ lực. Về nhập khẩu, Việt Nam phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc về nguồn cung nguyên liệu. Theo ước tính, khoảng 84% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.

Điều này phản ánh rõ ràng sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào hai đối tác thương mại chính: Mỹ (về xuất khẩu) và Trung Quốc (về nhập khẩu). Sự phụ thuộc này không chỉ đặt ra thách thức về việc đa dạng hóa thị trường, mà còn làm nổi bật nhu cầu phát triển nguồn cung nguyên liệu nội địa, vai trò của thị trường trong nước (trong đó có tiêu dùng, đầu tư tư nhân), khu vực FDI và chi tiêu công để giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính bền vững cho nền kinh tế. Trong bài viết này, chúng tôi ưu tiên bàn về vai trò ngắn hạn của chi tiêu công trong bối cảnh Việt Nam có chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 8% cho năm 2025.

Công thức xác định chi tiêu công cần thiết

Trong tình hình thuế quan hiện nay, nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu ở mức α%, thì theo cách tính của Đại diện thương mại Mỹ (USTR), thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ giảm THMD = -136,5 x α/100 tỷ USD.

Chi tiêu trong nước – bao gồm tiêu dùng (C) và đầu tư tư nhân (I) – chiếm lần lượt 63% và 32% GDP, tức là tổng cộng 95% GDP. Như vậy, nếu không có sự đóng góp từ chi tiêu công (g) hoặc xuất khẩu ròng, tổng cầu sẽ không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu.

Một số kịch bản đầu tư công và kết quả

Từ công thức trên ta có thể thảo luận một số kịch bản đầu tư công. Các kết quả cho thấy, nếu Mỹ áp thuế cao (α = 46%), để đạt tăng trưởng 8% hoặc 10%, Việt Nam cần tăng chi tiêu công lên tương đương hơn 12% GDP – một con số rất lớn trong điều kiện nợ công hiện nay.

Ngược lại, nếu Mỹ chỉ áp thuế thấp (α = 15%-20%), chi tiêu công cần thiết sẽ tăng lên khoảng 4,4%-5,7% GDP, tức là mức có thể chấp nhận được nếu hiệu quả đầu tư công được đảm bảo.

Chi tiêu công và hướng đi bền vững

Chi tiêu công rõ ràng là công cụ hữu hiệu trong ngắn hạn để kích thích tổng cầu. Mức độ hiệu quả này phụ thuộc vào mức thuế mà Mỹ áp dụng vào hàng hóa Việt Nam, tức là phụ thuộc vào kết quả thương lượng giữa Việt Nam và Mỹ.

Với mức nợ công hiện tại, việc duy trì tăng cao chi tiêu công hàng năm là không khả thi. Vì vậy, cần đặt ra câu hỏi: chi tiêu công nên được sử dụng như thế nào để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn?

Chúng tôi cho rằng cần ưu tiên các khoản chi đầu tư vào: (i) y tế và giáo dục, (ii) đào tạo và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, (iii) cải thiện năng suất tổng hợp (TFP). Đây là những lĩnh vực không chỉ góp phần kích thích cầu hiện tại mà còn nâng cao năng lực cung trong trung và dài hạn.

Cân đối cung - cầu và vai trò thị trường nội địa

Ngay cả trong điều kiện không bị Mỹ áp thuế, Việt Nam vẫn cần ít nhất 5% GDP từ chi tiêu công để đảm bảo tổng cầu đủ lớn cho mục tiêu tăng trưởng 8%–10%. Điều này cho thấy, Việt Nam không thể chỉ dựa vào tiêu dùng và đầu tư tư nhân (trong đó có FDI), mà cần chính sách tài khóa chủ động.

Bên cạnh đó, việc định hướng lại chính sách thương mại để giảm thâm hụt với các đối tác ngoài Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc, và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng. Tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở các thị trường này là chiến lược lâu dài nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Công cụ cấp bách

Chi tiêu công là một công cụ cần thiết và cấp bách để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tác động từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ. Tuy nhiên, việc sử dụng chi tiêu công cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo hiệu quả và không gây áp lực quá lớn lên nợ công.

Về dài hạn, Việt Nam cần chiến lược phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất tổng hợp, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, và phát triển thị trường nội địa. Đó mới là con đường bền vững cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Nhóm tác giả: GS Lê Văn Cường (CNRS - Trường Kinh tế Paris) - GS Nguyễn Văn Phú (CNRS - Đại học Paris Nanterre) - PGS TS Tô Thế Nguyên (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)

Nhóm tác giả

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-cu-cap-bach-de-dat-muc-tieu-tang-truong-nam-2025-2396264.html