Trung Quốc nói vòng vo khi bị Mỹ điểm huyệt về pháp lý trong yêu sách phi pháp ở Biển Đông
Nghiên cứu từ Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Ngày 12.1, Cục Các vấn đề đại dương, môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một tài liệu nghiên cứu với nội dung phản bác "các yêu sách trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó bác bỏ các cơ sở địa lý và lịch sử của Bắc Kinh.
Các tác giả chính Kevin Baumert, Amy Stern và Amanda Williams, người đã thực hiện nghiên cứu cho Văn phòng Đại dương và Địa cực thuộc Cục Đại dương và Môi trường Quốc tế và Khoa học tại Bộ Ngoại giao. Tài liệu nghiên cứu dài 47 trang của các tác giả nêu rõ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.
Lâu nay, Trung Quốc khẳng định cái mà họ gọi là "quyền lịch sử" đối với mọi hòn đảo trong "đường chín đoạn", tuyên bố quyền tài phán đối với các vùng nước xung quanh hàng trăm địa điểm trên biển, gồm cả những hòn đảo chìm dưới bề mặt nước biển.
Nghiên cứu đánh giá các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc đi ngược lại các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Dù Mỹ không có quan điểm nào về chủ quyền đối với khoảng 250 đảo, đá ngầm, bãi cạn và bờ biển, nhưng họ nhất quyết đòi quyền đi lại vô hại qua các tuyến thương mại nhộn nhịp, đặc biệt là ở những khu vực mà Bắc Kinh đòi quyền kiểm soát trái với luật pháp quốc tế.
Nghiên cứu đề cập đến bốn khu vực trên biển Đông, với hơn 100 địa điểm, trong số đó có cả những nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền nằm cách xa bờ biển của nước này, bị nhấn chìm khi thủy triều lên. Nghiên cứu phân tích: Theo công ước mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996, các đối tượng địa lý như vậy không thể được tuyên bố chủ quyền hợp pháp hoặc tạo ra các vùng biển.
Bắc Kinh không chỉ tuyên bố quyền sở hữu các đối tượng chìm mà còn liên kết các khu vực khác biệt về địa lý với nhau để tạo ra "đường cơ sở thẳng", tạo thành các khối lớn là vùng biển đặc quyền xung quanh các quần đảo trong vùng biển giàu năng lượng. Ngoài ra, Trung Quốc, bằng cách coi mỗi nhóm đảo là một đơn vị, khẳng định các yêu sách đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Nghiên cứu cho rằng Yêu sách này không phù hợp với UNCLOS, vốn chỉ cho phép vẽ đường cơ sở trong những trường hợp giới hạn - một đường bờ biển thụt vào hoặc các đảo ở vùng lân cận bờ biển.
Cuối cùng, nghiên cứu xác định không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc khẳng định "quyền lịch sử" ở Biển Đông. Bắc Kinh chưa bao giờ đưa ra căn cứ pháp lý cho tuyên bố của mình. Báo cáo cho biết: “Không có điều khoản nào của Công ước có thuật ngữ 'quyền lịch sử', cũng như không có cách hiểu thống nhất về điều gì, cụ thể, thuật ngữ này có nghĩa là gì đối với luật pháp quốc tế.
"Ảnh hưởng tổng thể của các yêu sách hàng hải này là việc CHND Trung Hoa tuyên bố chủ quyền hoặc một số hình thức độc quyền tài phán đối với hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp, đi ngược nhiều quy định của luật pháp quốc tế được phản ánh trong Công ước.
Nghiên cứu tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: "Với việc công bố nghiên cứu mới nhất này, Mỹ một lần nữa kêu gọi CHND Trung Hoa tuân thủ các yêu sách hàng hải của mình với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển, tuân thủ quyết định của Tòa trọng tài trong phán quyết ngày 12.7.2016 và ngừng các hoạt động cưỡng ép và trái pháp luật ở Biển Đông".
Phân tích chi tiết của báo cáo nghiên cứu từ Bộ Ngoại giáo Mỹ đã thu hút phản ứng ngay lập tức từ chính phủ Trung Quốc vào thứ năm. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tỏ ra đuối lý khi không trả lời được các câu hỏi xung quanh tính hợp pháp của yêu sách do Trung Quốc đơn phương đưa ra trên Biển Đông. Ông Uông chỉ biết lặp lại những thứ không được luật pháp quốc tế thừa nhận về cái gọi là quyền lịch sử và bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague. Ông Uông không hề đưa ra được cơ sở pháp lý nào mới liên quan đến việc này.