Trung Quốc phát hiện khoáng chất mới trong mẫu đất đá lấy từ Mặt Trăng
Các nhà khoa học Trung Quốc đã phân lập được một loại khoáng chất mới từ mẫu đất đá Mặt Trăng chuyển về Trái đất năm 2020 trong chuyến thám hiểm của tàu thăm dò Chang'e-5 (Hằng Nga 5), và đặt tên là Chang'e Stone.
Phó Chủ tịch Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc Dong Baotong cho biết thông tin trên.
Ngày 24/11/2020 Trung Quốc phóng tàu thăm dò Mặt Trăng "Chang'e-5" (Hằng Nga 5). Ngày 1/12 tàu hạ cánh tại khu vực đã định ở Mặt Trăng phía đối diện Trái đất, lấy được mẫu đất đá trên đó và quay về hạ cánh xuống miền bắc Trung Quốc vào ngày 17/12. Chuyến bay diễn ra trong 23 ngày, tàu vũ trụ đem về Trái Đất 1.731 gram regolith (đất đá bề mặt). “Chang'e-5” trở thành con tàu vũ trụ đầu tiên sau 44 năm được phóng lên khai thác mẫu đá Mặt Trăng, và Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Liên Xô thực hiện được hoạt động này.
"Khoáng chất mới trong mẫu regolith lấy từ Mặt Trăng được nhóm các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu vệ tinh tự nhiên của Trái đất phân lập được đặt tên là “Chang'e Stone" (Đá Hằng Nga) theo quyết định về phân loại và đặt tên các khoáng chất mới của Ủy ban Đặt tên và Phân loại khoáng sản (IMA"), ông Dong Baotong cho biết tại cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu đất đá Mặt Trăng.
Ông nói thêm rằng việc phát hiện ra loại khoáng chất mới này là một thành tựu khoa học lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực thăm dò không gian vũ trụ.
Chương trình thăm dò Mặt Trăng “Chang’e” (Hằng Nga) được đặt theo tên của nữ thần Mặt Trăng trong thần thoại Trung Quốc, bao gồm ba giai đoạn: bay quanh vệ tinh tự nhiên của Trái đất ("Chang'e-1" và "Chang'e-2"), hạ cánh xuống Mặt Trăng ("Chang'e-3" và "Chang'e-4") và từ Mặt trăng trở về Trái Đất ("Chang'e-5" và "Chang'e-6"). Nhiệm vụ chuyến bay Chang'e-7 là nghiên cứu tổng quát về vùng Nam cực của Mặt Trăng, bao gồm cả việc thăm dò tổng hợp địa hình Mặt Trăng. "Chang'e-8" ngoài nghiên cứu khoa học còn có nhiệm vụ tiến hành thử nghiệm một số công nghệ then chốt trên bề mặt Mặt Trăng.