Trung Quốc phê duyệt thương vụ Synopsys mua lại Ansys giá 35 tỉ USD khi Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm EDA
Cục Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc (SAMR) đã bật đèn xanh cho thương vụ trị giá 35 tỉ USD giữa Synopsys và Ansys với một số điều kiện nhất định.
Hôm 14.7, SAMR đã phê duyệt thương vụ Synopsys (tập đoàn phần mềm thiết kế chip hàng đầu Mỹ) mua lại Ansys (nhà cung cấp phần mềm kỹ thuật hỗ trợ máy tính Mỹ) với giá 35 tỉ USD, chỉ vài tuần sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với sản phẩm EDA (tự động hóa thiết kế điện tử) sang Trung Quốc đại lục.
Trong thông báo của mình, SAMR cho biết đã chấp thuận thương vụ Synopsys mua lại Ansys với điều kiện hai công ty Mỹ này phải tuân thủ các nghĩa vụ hợp đồng đã ký cùng khách hàng Trung Quốc.
Synopsys và Ansys cũng nhận yêu cầu không chấm dứt các hợp đồng hiện tại, hoặc từ chối gia hạn hợp đồng với bất kỳ khách hàng Trung Quốc nào.
Các điều kiện mà SAMR đưa ra phản ánh tầm quan trọng của công nghệ EDA với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, đồng thời phát đi tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng song phương sau khi Mỹ gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu phần mềm dạng này.
Theo một báo cáo nghiên cứu của tập đoàn dịch vụ tài chính Morgan Stanley (Mỹ) hồi tháng 5, Synopsys, Cadence (Mỹ) và Siemens (Đức) chiếm tổng cộng 82% doanh thu thị trường EDA tại Trung Quốc năm ngoái.
Đầu tháng 7, cả ba nhà cung cấp EDA này đều xác nhận rằng Bộ Thương mại Mỹ đã rút lại lệnh kiểm soát xuất khẩu, vốn được ban hành hồi tháng 5 khi Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) yêu cầu họ ngừng bán phần mềm tại Trung Quốc.
Theo thông báo của BIS hồi tháng 5, lệnh cấm xuất khẩu phần mềm EDA (vốn thiết yếu cho việc thiết kế các chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến) ảnh hưởng đến tất cả khách hàng tại Trung Quốc, gồm cả nhân viên của các khách hàng toàn cầu đang làm việc tại nước này cũng như những tổ chức quân sự Trung Quốc ở bất kỳ đâu.
Ba nhà cung cấp phần mềm thiết kế bán dẫn Trung Quốc là Empyrean Technology, Primarius Technologies và Semitronix từng thu hút sự chú ý vào tháng 6 sau khi có thông tin về lệnh cấm. Cổ phiếu niêm yết tại thành phố Thâm Quyến của ba công ty này từng tăng mạnh do giới đầu tư kỳ vọng họ có thể trở thành những nhà cung cấp EDA thay thế chủ chốt tại Trung Quốc.
Sự thay đổi chính sách của chính quyền Trump diễn ra sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại cuối tháng trước.

Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã dỡ bỏ lệnh kiểm soát xuất khẩu phần mềm EDA sang Trung Quốc vào đầu tháng 7 - Ảnh: Shutterstock
Sau khi công bố kế hoạch mua lại Ansys vào tháng 1.2024, Synopsys kỳ vọng thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm nay. Song theo bản tin của trang FT hồi tháng 6, Trung Quốc đã ngăn chặn thương vụ này sau khi Mỹ áp lệnh hạn chế quyền tiếp cận phần mềm EDA từ Synopsys, Cadence và Siemens với cường quốc châu Á.
Trước đó, thương vụ Synopsys - Ansys nhận được phê duyệt từ các cơ quan quản lý tại những khu vực pháp lý lớn khác trên thế giới, gồm cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), với một số điều kiện kèm theo.
Hồi tháng 5, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cho biết Synopsys cần bán lại các công cụ phần mềm quang học và quang tử, còn Ansys phải bán lại công cụ phân tích tiêu thụ điện năng. Ủy ban châu Âu cũng đưa ra yêu cầu tương tự.
Phần mềm quang học dùng để thiết kế, mô phỏng và phân tích hệ thống quang học cổ điển, tức là những hệ thống làm việc với ánh sáng khả kiến, ánh sáng hồng ngoại, tia cực tím…
Phần mềm quang tử chuyên dùng để thiết kế và mô phỏng các linh kiện, mạch và hệ thống quang tử, tức là các hệ thống hoạt động bằng photon (hạt ánh sáng) thay vì electron.
Cổ phiếu của Empyrean Technology và Semitronix lần lượt giảm nhẹ 0,54% và 0,47% hôm 14.7, còn cổ phiếu của Primarius Technologies tăng nhẹ 0,35%.
Thông tin về Synopsys và Ansys
1. Được thành lập năm 1986, Synopsys là hãng công nghệ lớn của Mỹ chuyên về EDA, cung cấp các công cụ và dịch vụ thiết yếu cho ngành thiết kế và sản xuất chất bán dẫn.
Nói một cách đơn giản, Synopsys tạo ra các phần mềm, giải pháp giúp các kỹ sư thiết kế và kiểm tra chip bán dẫn phức tạp, từ những chip nhỏ dùng trong thiết bị di động cho đến các chip AI tiên tiến. Họ cũng cung cấp sở IP silicon, bảo mật và chất lượng phần mềm.
Silicon IP là những khối mạch điện tử hoặc thiết kế logic đã được phát triển, kiểm tra và cấp phép để tái sử dụng trong các chip bán dẫn lớn hơn (SoC). Bạn hãy tưởng tượng Silicon IP như những "viên gạch Lego" được thiết kế sẵn và có chức năng cụ thể, giúp các nhà thiết kế chip không cần phải xây dựng mọi thứ từ đầu.
Trụ sở chính của Synopsys đặt tại thành phố Sunnyvale, bang California, Mỹ. Ngoài ra, Synopsys có sự hiện diện nhiều nơi trên thế giới, gồm cả Việt Nam. Tại Việt Nam, Synopsys có các văn phòng và hoạt động phát triển phần mềm, tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
2. Ansys là hãng phần mềm kỹ thuật có trụ sở chính tại thị trấn Canonsburg, bang Pennsylvania, Mỹ. Công ty này được thành lập vào năm 1970 và nổi tiếng toàn cầu với các giải pháp mô phỏng kỹ thuật, đặc biệt là phần mềm mô phỏng vật lý như mô phỏng ứng suất, động lực học chất lỏng, điện từ trường, nhiệt học, mô phỏng đa vật lý.
Các sản phẩm của Ansys được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như hàng không vũ trụ, ô tô, điện tử, năng lượng, y tế và quốc phòng.
Lý do hai công ty Mỹ giao dịch mua bán lại cần được Trung Quốc phê duyệt?
Synopsys và Ansys đều là công ty Mỹ nhưng vẫn cần Trung Quốc phê duyệt thương vụ sáp nhập vì lý do sau:
Hai công ty này kinh doanh nhiều nơi trên thế giới, gồm cả Trung Quốc
Cả Synopsys và Ansys đều có hoạt động kinh doanh lớn tại Trung Quốc - một trong những thị trường bán dẫn và kỹ thuật lớn nhất thế giới. Nếu thương vụ mua bán này ảnh hưởng đến cạnh tranh thị trường tại Trung Quốc, chính phủ nước này có quyền xem xét theo luật chống độc quyền của họ.
Nếu một thương vụ lớn có thể dẫn tới độc quyền hoặc làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường Trung Quốc, SAMR có quyền yêu cầu điều chỉnh (chẳng hạn thoái vốn một phần), áp điều kiện (chẳng hạn không được cắt hợp đồng với khách hàng Trung Quốc), hoặc thậm chí từ chối hoàn toàn.
Trung Quốc không phải là trường hợp cá biệt
Không chỉ Trung Quốc, các thương vụ lớn như thế này thường phải xin phê duyệt từ nhiều cơ quan quản lý khu vực khác, chẳng hạn Ủy ban châu Âu, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, Cơ quan cạnh tranh của Anh…
Ví dụ: Nvidia muốn mua Arm (Anh), dù cả hai là công ty phương Tây, nhưng thương vụ bị chặn ở Anh, Mỹ và cả Trung Quốc.
Microsoft mua hãng game Activision Blizzard (Mỹ) thì phải xin phê duyệt từ EU, Mỹ và Anh.
Arm là tập đoàn công nghệ bán dẫn Anh, nổi tiếng toàn cầu với việc thiết kế kiến trúc bộ vi xử lý, đặc biệt là loại Arm, hiện chiếm ưu thế trong ngành thiết bị di động và nhúng.