Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố do bùng phát biến chủng B.A.2

'Zero Covid-19' - chiến lược giúp Trung Quốc dập tắt mọi đợt dịch từ trước tới nay - đang phải đối mặt với phép thử lớn nhất do chủng phụ B.A.2 của Omicron gây ra.

Liên tiếp hai ngày 13-14/3, số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng của Trung Quốc đại lục đều vượt mức 1.000 ca/ngày. Con số này có thể thấp hơn nhiều nước khác nhưng vẫn là đáng kể đối với quốc gia trung thành với chiến lược chống dịch triệt để như Trung Quốc.

Dù vậy, số ca mắc nói trên vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của “một đợt tăng mạnh”, ông Trương Văn Hoành - chuyên gia bệnh truyền nhiễm nổi tiếng tại Trung Quốc - cảnh báo trong bài viết ngày 14/3 trên Caixin.

“Nếu nước ta nhanh chóng mở cửa, sẽ có lượng lớn người mắc bệnh trong thời gian ngắn”, ông Trương viết. “Dù tỷ lệ tử vong thấp đến đâu đi nữa, nó vẫn sẽ gây áp lực lên nguồn lực y tế và tạo ra cú sốc ngắn hạn cho đời sống xã hội, gây thiệt hại không thể cứu vãn cho gia đình và cộng đồng”.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh ngày 14/3. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh ngày 14/3. Ảnh: AFP.

Dịch bùng mạnh vì dòng phụ của Omicron

Hôm 14/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo toàn quốc có 1.337 ca lây nhiễm cộng đồng trong 24 giờ, cao gấp 4 lần so với một tuần trước. Con số hôm 14/3 có giảm so với số ca cộng đồng được ghi nhận hôm 13/3 (1.807 ca).

Theo South China Morning Post, các ca nhiễm lúc này phân bố khắp 17 tỉnh, thành phố, khu tự trị của Trung Quốc như Thượng Hải, Quảng Đông và Thanh Đảo. Tâm dịch lúc này là tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc, chiếm 895 trong số 1.337 ca được thông báo ngày 14/3.

Thành phố Cát Lâm, đã bị phong tỏa một phần, một quan chức công bố hôm 13/3.

Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm bị phong tỏa từ 11/3.

Số ca nhiễm của Trung Quốc đã lên tới mức cao nhất kể từ đợt dịch lớn đầu tiên tại Vũ Hán vào đầu năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là chủng phụ B.A.2 của Omicron, theo ông Trương.

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy chủng phụ B.A.2 dễ lây lan hơn chủng mẹ, dù Omicron vốn đã có khả năng lây nhiễm nhanh hơn chủng nCoV gốc và các biến chủng khác.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trương nhận định đợt tăng này là “thời khắc khó khăn nhất trong 2 năm qua” trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế đại dịch.

 Người dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm xếp hàng chờ xét nghiệm. Ảnh: AP.

Người dân thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm xếp hàng chờ xét nghiệm. Ảnh: AP.

Để ứng phó, nhà chức trách phong tỏa toàn Thâm Quyến từ ngày 14/3. Từ nay tới trước 20/3, người dân cần được xét nghiệm 3 vòng. Trong thời gian đó, phương tiện giao thông công cộng sẽ tạm dừng hoạt động, chỉ hoạt động thiết yếu như vận chuyển hàng hóa tới Hong Kong mới có thể tiếp diễn.

Tại Thượng Hải, các biện pháp chống dịch cũng được áp dụng ở mức ít nghiêm ngặt hơn. Người ra vào thành phố phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR có hiệu lực trong vòng 48 tiếng, tuyến buýt nối với một số tỉnh sẽ ngừng vận hành.

Đối với tâm dịch Cát Lâm, ông Zhang Yan, quan chức y tế phụ trách công tác chống dịch tại đây, cho biết tỉnh này sẽ thúc đẩy sử dụng test nhanh và tăng cường năng lực xét nghiệm PCR để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, bên cạnh các biện pháp khác.

Phép thử Omicron đối với "Zero Covid-19"

Trung Quốc đã đóng cửa với thế giới từ tháng 3/2020 như là một phần trong chiến lược “Zero Covid-19 linh hoạt”.

Theo chiến lược này, người dân có thể bị cấm rời khỏi nơi cư trú nếu bị coi là người tiếp xúc gần có rủi ro cao. Nhà chức trách Trung Quốc có thể phong tỏa tức thời cửa hàng, trường học, thắng cảnh du lịch… dù chỉ phát hiện một ca tiếp xúc gần.

Quan chức thường xuyên bị khiển trách hoặc kỷ luật vì để dịch bùng tại địa phương. Gần đây nhất, thị trưởng thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh cùng tên đã bị thôi chức vào hôm 12/3.

 Chiến lược "Zero Covid-19" mạnh tay đã giúp Trung Quốc dập được các đợt dịch trước như tại Tây An vào cuối năm 2021. Ảnh: China Daily.

Chiến lược "Zero Covid-19" mạnh tay đã giúp Trung Quốc dập được các đợt dịch trước như tại Tây An vào cuối năm 2021. Ảnh: China Daily.

Đổi lại, từ đầu đại dịch, Trung Quốc ghi nhận hơn 115.000 ca nhiễm - con số nhỏ hơn nhiều so với nhiều nơi khác trên thế giới. Số ca tử vong chính thức hiện ở dưới mức 5.000 ca.

Dù vậy, chiến lược này đi kèm một số bất cập. Đời sống và việc làm của người dân liên tục bị gián đoạn, đặc biệt là ở các thành phố cảng và khu vực biên giới do những đợt phong tỏa gần như mọi lúc.

Nhà máy và cơ sở kinh doanh nhiều lần phải đóng cửa góp phần làm chậm lại nền kinh tế. Đời sống của người dân chịu nhiều ảnh hưởng, thể hiện qua một số sự việc như vụ sản phụ sảy thai do quy định chống dịch quá nghiêm ngặt tại Tây An vào đầu năm nay.

Những điểm nói trên đặt ra câu hỏi liệu “Zero Covid-19” của Trung Quốc có thể trụ vững trước đợt dịch hiện tại hay không. Ngoài ra, trong những lần bùng dịch trước, “Zero Covid-19” chưa gặp phải biến chủng dễ lây lan như B.A.2.

Trước mắt, có một số dấu hiệu cho thấy chính sách "Zero Covid-19" đang thay đổi. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố chiến lược chống dịch của nước này sẽ được tinh chỉnh để tránh làm gián đoạn nền kinh tế.

Tới hôm 11/3, NHC lần đầu tiên phê duyệt cho người dân sử dụng test nhanh kháng nguyên Covid-19, từ đó mở đường cho việc tự xét nghiệm tại nhà. Đây có khả năng là một động thái nới lỏng kiểm soát của Trung Quốc trong công tác chống dịch, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, giới chuyên gia tỏ ra lo ngại về năng lực của hệ thống y tế Trung Quốc.

Tương tự ông Trương, một số nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh đã cảnh báo Trung Quốc có thể đối diện “đợt dịch khổng lồ” có nguy cơ làm quá tải hệ thống y tế nếu nhà nước nới lỏng ở mức như châu Âu và Mỹ.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-phong-toa-nhieu-thanh-pho-post1302435.html