Trung Quốc quyết 'mạnh tay' làm điều này để vực dậy nền kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị Công tác tài chính Trung ương diễn ra trong 2 ngày (30-31/10), Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc phải 'tăng cường giám sát tài chính một cách toàn diện'.
Thông điệp được đưa ra tại Hội nghị lần này nêu bật mối quan ngại của Bắc Kinh về sự mong manh của hệ thống tài chính, đặc biệt vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với môi trường địa chính trị ngày càng biến động, nỗ lực vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản cùng rủi ro nợ địa phương.
Hội nghị cũng xem xét việc đưa vai trò của đặc khu hành chính Hong Kong thành trung tâm tài chính quốc tế trở thành một mục tiêu chính sách. Đề xuất này từng được đề cập vào năm 2012 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đã bị bỏ qua trong Hội nghị Công tác tài chính Trung ương năm 2017.
Cuộc họp chính sách tài chính quan trọng diễn ra hai lần trong một thập kỷ này cũng tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu tài chính hợp lý cho tất cả loại hình doanh nghiệp bất động sản và theo đuổi các chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Báo cáo chính thức được đưa ra tại Hội nghị cho biết, việc quản lý rủi ro tài chính là rất quan trọng đối với giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc, đồng thời thừa nhận nền kinh tế này vẫn phải đối mặt với “những rủi ro kinh tế và tài chính tồn đọng, tình trạng hỗn loạn và tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực tài chính, cũng như chất lượng dịch vụ tài chính còn yếu kém, chưa phù hợp với nền kinh tế thực”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc phải “tăng cường giám sát tài chính một cách toàn diện và kiểm soát mọi hoạt động tài chính theo luật pháp”.
Đồng thời, chính phủ cũng cần tăng cường chất lượng dịch vụ tài chính để hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng như công nghệ, sản xuất tiên tiến, nền kinh tế xanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn là lĩnh vực rất quan trọng giúp tạo việc làm.
Hiện Trung Quốc đang phải vật lộn với nhiều thách thức tài chính, khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nhiều sàn giao dịch chứng khoán trong nước, giá cổ phiếu sụt giảm, tỷ giá hối đoái của đồng NDT so với đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua.
Nói với các quan chức cấp cao tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, chính phủ phải tập trung vào việc xác định và giải quyết các rủi ro tài chính tiềm ẩn. “Chúng ta phải tỉnh táo nhận thức rằng, nhiều mâu thuẫn và vấn đề khác nhau trong lĩnh vực tài chính có mối liên hệ và ảnh hưởng lẫn nhau, trong số đó có một số vấn đề rất điển hình”, Đài truyền hình quốc gia CCTV dẫn lời ông Tập Cận Bình.
Cũng theo Báo cáo, thời gian tới, Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc tăng cường giám sát toàn diện cũng như ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro tài chính hệ thống. Hội nghị cũng đề cập việc thiết lập một cơ chế dài hạn để ngăn ngừa và giải quyết rủi ro nợ địa phương, thiết lập hệ thống quản lý nợ chính phủ phù hợp với mục tiêu phát triển chất lượng cao.
Theo đó, nền kinh tế Đông Bắc Á này sẽ tiếp tục cải thiện việc quản lý an toàn vĩ mô đối với tài chính bất động sản, đồng thời đáp ứng nhu cầu huy động vốn hợp lý của các nhà phát triển tư nhân và nhà nước.
"Chính phủ sẽ tận dụng tốt bộ công cụ chính sách, hỗ trợ và cải tiến các nhu cầu về nhà ở, đẩy nhanh việc hoàn thiện những mục tiêu lớn như nhà ở giá rẻ hay xây dựng mô hình phát triển bất động sản mới", Báo cáo cho biết.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thể phục hồi vững chắc sau đại dịch Covid-19 do tình trạng suy thoái kéo dài trên thị trường bất động sản gây ra mối lo ngại ngày càng gia tăng về điều kiện tài chính của các chính quyền địa phương, sự ổn định hệ thống tài chính quốc gia và động lực tăng trưởng trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc tiếp tục trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, được đánh dấu bằng sự sụp đổ của Tập đoàn Evergrande, nối tiếp là "ông lớn" Country Garden rơi vào cảnh nợ nần, bất chấp các đợt kích thích bằng chính sách.
Các khoản nợ của chính quyền địa phương đã lên tới 38 nghìn tỷ NDT (5,2 nghìn tỷ USD), nhưng các khoản nợ tiềm ẩn – được vay thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) thường để lách các quy định giới hạn về nợ– được cho là còn lớn hơn.
Liu Shengjun, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Cải cách tài chính Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu tư nhân có trụ sở ở Thượng Hải, nhận định: “Đánh giá của lãnh đạo cấp cao cho thấy tình hình tài chính đang rất nghiêm trọng. Các Hội nghị trước đây nhấn mạnh đến sự đổi mới thì Hội nghị lần này chú trọng vào quy định tài chính và phòng ngừa rủi ro".
Ông Liu Shengjun dự báo, chống tham nhũng sẽ vẫn là công cụ chủ yếu được Bắc Kinh sử dụng để giúp giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực tài chính.
Bắt đầu từ cuối tháng 9, chính quyền các tỉnh, thành phố đã được phép phát hành hóa đơn tái cấp vốn để giải quyết khoản nợ đến hạn với quy mô lên tới 1 nghìn tỷ NDT (137 tỷ USD). Tuần trước, Bắc Kinh cũng phê duyệt việc phát hành 1 nghìn tỷ NDT trái phiếu chính phủ, với số tiền sẽ được chuyển cho chính quyền địa phương để hỗ trợ tái thiết và cải thiện khả năng phòng chống và cứu trợ thiên tai.
Đợt phát hành mới sẽ nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách lên khoảng 3,8% GDP - cao hơn nhiều so với mục tiêu 3% đặt ra vào hồi tháng Ba.
Wang Huiyao, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết cơ chế giải quyết các vấn đề nợ địa phương do chính phủ đề xuất là rất kịp thời, phản ánh hiệu quả trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giải quyết đáng kể những thách thức hiện hữu.
“Cơ chế này có thể điều phối và phân bổ nguồn lực một cách toàn diện để giải quyết những khó khăn và thách thức kinh tế của từng địa phương. Cả nước có thể cùng nhau hợp tác để nâng cao niềm tin và ngăn chặn mọi rủi ro lây lan. Đây cũng là một trong những công cụ chính sách trong 'hộp công cụ' của chính phủ Trung Quốc”, ông nói.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997, Hội nghị Công tác tài chính Trung ương thường được tổ chức 5 năm một lần và không diễn ra vào năm 2022. Lần gần nhất Hội nghị diễn ra là vào năm 2017.