Trung Quốc rơi vào giảm phát, các ngân hàng trung ương tạm 'thở phào' trước lạm phát
Sau 2 năm, lần đầu tiên giá tiêu dùng và giá sản xuất của Trung Quốc cùng giảm, đánh dấu một chu kỳ giảm phát có thể giúp các ngân hàng trung ương toàn cầu phần nào đối phó với tình trạng lạm phát ở các quốc gia.
Theo thông báo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 9/8, chỉ số giá tiêu dùng đã ghi nhận mức giảm đầu tiên trong hơn hai năm, giảm 0,3% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Giá sản xuất giảm tháng thứ 10 liên tiếp, với mức giảm 4,4%.
Các nhà phân tích cho biết nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc kết hợp với sự sụt giảm bất động sản cũng như xuất khẩu giảm nhanh chóng đang thúc đẩy các nhà sản xuất giảm giá để loại bỏ hàng tồn kho dư thừa. Điều này có thể ảnh hưởng đến các nước phát triển, khi mà các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) của Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh vẫn đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng các vấn đề Trung Quốc và Bắc Á tại ngân hàng đa quốc gia Standard Chartered, cho biết giảm phát ở Trung Quốc sẽ giúp lạm phát ở Mỹ và châu Âu duy trì mức vừa phải.
Tuy nhiên, dù giảm phát sẽ giúp giảm một số mức giá toàn cầu, nhưng tác động đối với tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển có thể bị hạn chế do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong chi tiêu của người tiêu dùng so với dịch vụ sản xuất tại địa phương.
“Tại các nước phát triển, hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc không được ưa chuộng như trước”, Paul Cavey làm việc công ty tư vấn East Asia Econ cho biết. Theo ông Cavey, các thị trường mới nổi có thể hoan nghênh mức giá thấp hơn đối với máy móc, nhưng cũng lo ngại về sự cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ cản trở nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Các nhà kinh tế coi việc giảm phát của Trung Quốc là một dấu hiệu cảnh báo về tăng trưởng kinh tế, khi nguồn cung hàng hóa tiếp tục vượt xa nhu cầu. Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã cam kết hỗ trợ phục hồi, song họ cũng bắn tín hiệu rằng sẽ không có các biện pháp kích thích lớn như trong thời kỳ suy thoái trước đây.
“Chắc chắn là Trung Quốc đang trong tình trạng giảm phát. Các nhà hoạch định chính sách cần đẩy nhanh tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ, tăng nợ chính phủ và phối hợp nới lỏng tiền tệ và tài khóa để phá vỡ cái bẫy giảm phát này”, Robin Xing - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.
Bruce Pang, người đứng đầu nghiên cứu tại công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle, cho biết trước thực trạng giảm phát, ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể nới lỏng chính sách tiền tệ, bao gồm cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng cần để dự trữ và tăng cho vay thông qua các ngân hàng chính sách thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ hạn chế phạm vi kích thích.
Điều đầu tiên là triển vọng về giá đang được cải thiện. Chúng ta đang chứng kiến giá giảm khi cơ sở so sánh lấy từ giữa năm 2022, vốn dĩ các biện pháp phong tỏa đẩy giá lương thực lên cao. Nhìn chung, giá hàng hóa toàn cầu cũng giảm so với năm ngoái.
Các yếu tố khác cản trở các nhà chức trách nới lỏng chính sách tiền tệ là đồng nhân dân tệ yếu đi và lo ngại tiền do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành vào hệ thống ngân hàng sẽ bị mắc kẹt ở đó, thay vì được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất.
Đây mới chỉ là lần thứ tư trong thế kỷ 21 Trung Quốc ghi nhận tình trạng giảm phát theo thước đo chỉ số giá tiêu dùng. Bắc Kinh đã phản ứng với các giai đoạn giảm phát trước đó vào năm 2009, 2015 và 2020 bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ và có các gói kích thích tài chính lớn.
Trong khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng cường hỗ trợ cho thị trường nhà ở đang suy thoái, các nhà kinh tế không mong đợi một gói kích thích quy mô lớn khi Bắc Kinh tập trung vào việc chuyển nền kinh tế sang các động lực tăng trưởng mới.