Trung Quốc sẽ chiếm vị thế Mỹ ở châu Phi?

Trong cuộc đua chuyển đổi năng lượng, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh nhiều hơn ở châu Phi - nơi được đánh giá có tiềm năng năng lượng tái tạo khổng lồ.

Vào tháng 3/2023, ba công ty năng lượng tái tạo - Conjuncta từ Đức, Infinity từ Ai Cập và Masdar từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - ký một thỏa thuận với chính phủ Mauritania nhằm phát triển dự án hydro xanh khổng lồ ở nước này, trị giá 34 tỷ USD. Dự án đầy tham vọng hướng tới sản xuất tới 8 triệu tấn hydro xanh mỗi năm, chủ yếu sẽ được xuất khẩu sang châu Âu. Mauritania đã trở thành đối tác năng lượng quan trọng của châu Âu, là một ví dụ điển hình về vai trò của các quốc gia châu Phi trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu.

Các tấm pin mặt trời tại Nam Phi. (Ảnh: Rapport)

Các tấm pin mặt trời tại Nam Phi. (Ảnh: Rapport)

Châu Phi là nơi có nhiều nguyên liệu thô quan trọng đối với cuộc đua giảm phát thải khí cacbon toàn cầu, với tiềm năng năng lượng tái tạo khổng lồ cũng như các “bể chứa carbon” (sinh vật có khả năng hấp thụ khí nhà kính) và sẽ là một đối tác lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Khi Mỹ và châu Âu tăng cường nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phát thải ròng gần bằng 0 và “giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng xanh từ Trung Quốc (theo cách gọi của chính phủ Mỹ)", họ sẽ cần đến châu Phi.

Theo các chuyên gia bình luận trên Foreign Policy, sau nhiều thập kỷ thành công về ngoại giao và viện trợ phát triển của Trung Quốc ở lục địa này, việc thu hút châu Phi đối với Mỹ và các nước phương Tây có thể "nói dễ hơn làm". Và họ sẽ cần xác định lại hoàn toàn quan hệ đối tác với châu Phi, theo nguyên tắc có đi có lại, thay vì khai thác một chiều.

Với hơn 40 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lục địa này vào năm 2020, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn Mỹ vào châu Phi mỗi năm kể từ năm 2013, và sẵn sàng vượt qua châu Âu để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi vào năm 2030.

Ở một mức độ nào đó, có nguyên nhân chủ quan từ châu Âu và Mỹ. Lấy đại dịch COVID-19 làm ví dụ. Phương Tây được coi là ít thể hiện sự đoàn kết với lục địa châu Phi, qua việc không cung cấp đủ vaccine từ kho dự trữ và từ chối từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine (điều mà Nam Phi và Ấn Độ đề xuất lần đầu). Mặt khác, Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp và công khai hỗ trợ vaccine cũng như thiết bị y tế.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng thường cáo buộc những người đồng cấp phương Tây của họ là mong đợi những điều không thể. Ví dụ, khi châu Âu ngừng sử dụng khí đốt Nga, họ tăng cường đầu tư vào dầu khí ở châu Phi để đáp ứng nhu cầu liên tục của mình. Tuy nhiên, họ tiếp tục gây áp lực buộc các chính phủ châu Phi phải tuân theo các mục tiêu năng lượng tái tạo, mặc dù các nước này chưa thể cung cấp điện đủ cho phần lớn dân số của chính họ, theo chuyên gia.

Như thỏa thuận hydro mang tính bước ngoặt của Đức ở Namibia: Thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD (chỉ thấp hơn một chút so với GDP của Namibia) sẽ bao gồm một nhà máy khử muối — nhưng chỉ để sản xuất hydro, trong khi quốc gia này đang đối mặt với đợt hạn hán lịch sử. Các trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ sẽ cung cấp năng lượng cho quá trình sản xuất hydro xanh, trong khi gần một nửa dân số Namibia vẫn chưa được tiếp cận với lưới điện.

Các sáng kiến mới của phương Tây nhằm kết nối lại với châu Phi cũng không được hưởng ứng nhiệt tình. Liên minh Châu Âu và Liên minh Châu Phi (AU) công bố vô số dự án hợp tác chuyển giao vaccine và năng lượng xanh tại hội nghị thượng đỉnh EU-AU vào giữa tháng 2/2022, nhưng bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở Ukraine. Tương tự, phiên bản "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc - "Cửa ngõ Toàn cầu" của Liên minh châu Âu, bị nhiều người coi là một dự án quá chậm trễ. Kế hoạch của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về quan hệ đối tác mới với châu Phi dường như cũng sẽ thất bại do sự hoài nghi của người châu Phi đối với ý định của Pháp.

Trong khi đó, Mỹ đạt được một số tiến bộ tốt hơn, với các cam kết như khoản đầu tư 369 triệu USD của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ cho an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và các dự án y tế tại châu Phi. Nhưng các chuyên gia ước tính rằng Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 120 tỷ USD vào châu Phi từ năm 2007 đến 2020, trong khi Mỹ chỉ đầu tư 20 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

Như vậy, theo chuyên gia, cách tiếp cận không phù hợp này, trong đó Trung Quốc luôn chiếm thế thượng phong còn Mỹ và châu Âu đang phải đuổi theo, sẽ có những tác động tiêu cực đối với quá trình các nước này tìm cách xây dựng nền công nghiệp xanh của riêng họ.

Phương Anh (Nguồn: Foreign Policy)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-se-chiem-vi-the-my-o-chau-phi-ar784973.html