Trung Quốc sẽ hoàn thành Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu vào tháng 6/2020
Vệ tinh cuối cùng trong Hệ thống Bắc Đẩu 3 của Trung Quốc đã được vận chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương và sẽ được phóng vào tháng 6/2020.
Phát biểu bên lề cuộc họp Lưỡng hội hàng năm của Trung Quốc, ông Dương Trường Phong – tổng thiết kế sư của Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu cho biết, vệ tinh cuối cùng trong Hệ thống Bắc Đẩu 3 của nước này sẽ được phóng vào tháng 6/2020, là bước cuối cùng trong việc hoàn thiện Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường của nước này.
Ông Dương Trường Phong, Ủy viên Chính hiệp, Tổng thiết kế sư của Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu cho biết, vệ tinh cuối cùng trong Hệ thống Bắc Đẩu 3 của Trung Quốc đã được vận chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương và theo kế hoạch sẽ được phóng vào tháng 6 tới, qua đó hoàn thiện Hệ thống vệ tinh dẫn đường của Trung Quốc.
Ông Dương Trường Phong khẳng định, Hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc là hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường có quy mô lớn nhất, phạm vi phủ sóng rộng nhất và nhiều tính năng nhất trong các Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường hiện nay. Hiện dịch vụ của Hệ thống Bắc Đẩu đã có mặt tại 120 quốc gia và khu vực, trong đó tập trung vào các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, thi công số, cảng thông minh... Tại Trung Quốc thì hơn 70% điện thoại thông minh sử dụng các dịch vụ của Bắc Đẩu.
Ông Dương Trường Phong nói:“Thông qua nhiều giai đoạn tìm tòi nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng được chiến lược phát triển ba bước, phù hợp với điều kiện, tình hình của Trung Quốc, cung cấp phương án Trung Quốc cho dịch vụ vệ tinh định vị toàn cầu”.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu phát triển hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường của riêng mình, tuy nhiên phải đến đầu những năm 90, tham vọng này mới bắt đầu được triển khai trên thực tế thông qua chiến lược “3 bước”. Bước 1, từ năm 1994 xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 1 (BDS-1) với 3 vệ tinh Bắc Đẩu- G ở quỹ đạo đĩa tĩnh (GEO) (phóng lên quỹ đạo năm 2000 và 2003).
Đây là hệ thống thử nghiệm và đã dừng hoạt động vào năm 2012. Bước 2, từ năm 2004, xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 2 (BDS-2), đến năm 2012 Trung Quốc đã hoàn thiện Hệ thống BDS-2 với 14 vệ tinh (trong đó bao gồm 5 vệ tinh Bắc Đẩu-G ở quỹ đạo địa tĩnh (GEO), 5 vệ tĩnh Bắc đẩu –I ở Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO) và 4 vệ tinh Bắc Đẩu –M ở Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO).
Hệ thống BDS-2 đã cung cấp dịch vụ định vị và đường truyền tin tức cho các khách hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bước 3, từ năm 2009, xây dựng hệ thống Bắc Đẩu thế hệ thứ 3 (BDS-3), theo kế hoạch đến năm 2020, nước này sẽ phóng đủ 35 vệ tinh BDS-3 và có khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Trong 35 vệ tinh của Hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu 3 có 27 vệ tinh Bắc Đẩu – M ở Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO), 5 vệ tinh Bắc Đẩu – G ở quỹ đạo địa tĩnh (GEO) và 3 vệ tinh Bắc Đẩu – I ở Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO).
Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc cung cấp dịch vụ định vị chuẩn xác trong phạm vi 10m trên toàn thế giới, còn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trong phạm vi 5m. Để đạt được độ chuẩn xác như vậy, ngoài việc sử dụng Quỹ đạo trái đất tầm trung (MEO) như các hệ thống vệ tinh định vị khác, Bắc Đẩu còn sử dụng Quỹ đạo địa tĩnh (GEO) và Quỹ đạo đồng bộ trái đất nghiêng (IGSO) giúp tăng khả năng các thiết bị thu nhìn thấy vệ tinh. Mặc dù phát triển sau, tuy nhiên Hệ thống vệ tinh định vị dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc được cho là đang cạnh tranh mạnh mẽ với các hệ thống định vị trước đó như GPS của Mỹ, GLONAS của Nga và Galileo của liên minh châu Âu (EU)./.