Trung Quốc siết chặt xuất khẩu với 7 loại đất hiếm, Việt Nam có cơ hội lớn
Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại sản phẩm đất hiếm loại trung bình và nặng, bao gồm Samarium, Gadolinium, Terbi, Dysprosi, Luteti, Scandi và Yttri.

Một điểm khai thác đất hiếm ở Nội Mông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Ngày 4/4/2025, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với 7 nguyên tố đất hiếm, trong đó có dysprosi và terbi, nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia" và đáp trả các mức thuế mới từ Mỹ.
Ngay sau đó, giá dysprosi tại châu Âu đã tăng gấp ba lần, đạt 850 USD/kg, trong khi giá terbi tăng từ 965 USD lên 3.000 USD/kg tính đến đầu tháng 5. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2015, phản ánh sự phụ thuộc lớn của thị trường vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Dysprosium (ký hiệu hóa học: Dy) là một nguyên tố hóa học thuộc nhóm đất hiếm, nằm trong dãy lanthanide của bảng tuần hoàn. Đây là kim loại có màu bạc, mềm, dễ uốn và khá bền trong điều kiện thông thường. Tên gọi “dysprosium” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp dysprositos, nghĩa là “khó lấy được”, vì nó rất khó tinh chế khi mới được phát hiện vào năm 1886.
Dysprosium được ứng dụng trong nam châm vĩnh cửu hiệu suất cao:
Dysprosium là thành phần quan trọng trong các loại nam châm NdFeB (neodymium–sắt–bo) giúp chúng chịu được nhiệt độ cao hơn mà không mất từ tính.
Dysprosium còn được ứng dụng trong động cơ xe điện, tuabin gió, robot công nghiệp.
Do khả năng hấp thụ neutron cao, Dysprosium được dùng làm thanh điều khiển trong các lò phản ứng hạt nhân.
Ngoài ra, nó còn được dùng trong thiết bị cảm biến, ổ đĩa cứng, hệ thống dẫn đường, vũ khí dẫn đường chính xác.
Hiện nay nguồn cung chính chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm hơn 90% sản lượng toàn cầu).
Dysprosium được coi là kim loại quan trọng trong chuyển đổi năng lượng xanh và sản xuất công nghệ cao.
Nhiều nước như Mỹ, Australia, Canada,… đang tìm cách khai thác hoặc đa dạng nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đối với terbi, đây là một trong các nguyên tố "then chốt" trong công nghệ xanh, đặc biệt là màn hình và pin xe điện.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về đất hiếm. Theo báo cáo tháng 3/2025 của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trữ lượng đất hiếm của Việt Nam được ước tính khoảng 3,5 triệu tấn, đứng thứ sáu thế giới, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Australia và Nga.
Trước việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu, các quốc gia như Mỹ, Canada và EU đang tìm kiếm nguồn cung thay thế. Đây có thể xem là cơ hội cho Việt Nam vươn lên trở thành đối tác cung cấp các loại khoáng sản quan trọng. Hiện Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu sản xuất 2,02 triệu tấn đất hiếm vào năm 2030, tập trung vào các khu vực có trữ lượng lớn như Tây Bắc và dọc bờ biển miền Trung.