Xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nắm bắt xu thế phát triển, Đại học Thái Nguyên đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) thực hành trong phòng LAB.

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) thực hành trong phòng LAB.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số và kinh tế tri thức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Thái Nguyên quan tâm triển khai nhằm tạo bước đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đứng chân trên địa bàn tỉnh, có quy mô đào tạo trên 81.000 sinh viên, đến từ 42 tỉnh, thành trong cả nước, gần 900 sinh viên quốc tế đến từ hơn 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Toàn Đại học hiện đào tạo 142 ngành trình độ đại học với trên 250 chương trình đào tạo; 71 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 39 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ; 20 chuyên ngành chuyên khoa cấp I, 8 chuyên ngành chuyên khoa cấp II và 8 chuyên ngành bác sĩ nội trú (cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tương ứng)...

Hằng năm, ĐHTN có 11.655 sinh viên tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu về tuyển dụng nhân lực các ngành, nghề nói chung và nguồn nhân lực có tay nghề cao nói riêng, không chỉ riêng cho tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh khác. Số sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp và đúng ngành đào tạo khoảng từ 80-90%.

Đặc biệt, nắm bắt được xu thế phát triển, ĐHTN đã thay đổi tích cực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội, với một số ngành như: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa...

Từ năm 2024, toàn Đại học có 3 cơ sở giáo dục mở ngành đào tạo và tuyển sinh ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)... Chính vì vậy, Thái Nguyên tiếp tục phát huy lợi thế trung tâm giáo dục để đào tạo, bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, cán bộ, giảng viên toàn Đại học đã nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. ĐHTN hiện có trên 3.600 cán bộ, viên chức và người lao động, trong đó có hơn 2.400 cán bộ giảng dạy, với gần 1.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ; hơn 180 giáo sư, phó giáo sư.

Tiết học của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên).

Tiết học của sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên).

Tăng cường hợp tác để phát triển

Nguồn nhân lực công nghệ cao, nhất là đội ngũ đông đảo chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vi mạch bán dẫn trở thành lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững, dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Thái Nguyên có lợi thế về hạ tầng và cơ sở công nghiệp: các khu công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ cao (điển hình là Tổ hợp Samsung Electronics), đóng góp phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu kinh tế số của tỉnh và thu hút khá đông nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh mở thêm các ngành đào tạo phù hợp với xu thế, ĐHTN và các trường thành viên đã đẩy mạnh liên kết, tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.

ĐHTN đã ký kết hợp tác giáo dục với các đối tác với các trường đại học uy tín ở các nước và vùng lãnh thổ như: Bỉ, Thụy Sỹ, Hungary, Liên bang Nga, Liên bang Đức, Rumani, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philipine, Campuchia, Đài Loan… Tổ chức đón tiếp hàng trăm lượt khách nước ngoài đến thăm quan, học tập và làm việc tại Đại học; đồng thời cử cán bộ, giảng viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, sinh viên tham gia thực tập nghề nghiệp và thực hiện các dự án, chương trình hợp tác quốc tế...

Mới đây, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐHTN) đã ký kết hợp tác với Công ty Công nghệ tài chính OKX - Singapore. Đây là một sự kiện quan trọng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ Blockchain cũng như các lĩnh vực liên quan khác.

Chương trình hợp tác sẽ được bắt đầu với việc Nhà trường phát triển Chương trình đào tạo cử nhân Công nghệ tài chính (Fintech), dự kiến tuyển sinh ngay trong năm 2025...

Cùng với đó, các trường: Đại học Y - Dược, Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Nông lâm và một số trường thành viên thuộc ĐHTN đã ký kết hợp tác với nhiều trường đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước, quốc tế, nhằm liên kết, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học... Từ đó mở ra hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo cơ hội để sinh viên có điều kiện thực hành gắn liền lý thuyết và tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đầu tư đồng bộ trang thiết bị để sinh viên thực hành.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đầu tư đồng bộ trang thiết bị để sinh viên thực hành.

Xây dựng đại học số, đại học xanh

Với mục tiêu phát triển đại học số, đại học xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, ĐHTN đã được tỉnh chọn làm đơn vị “điểm” về chuyển đổi số với hệ thống hạ tầng công nghệ - thông tin, trung tâm dữ liệu theo Dự án trung hạn ĐHTN, giai đoạn 2023-2025.

Thời gian tới, ĐHTN quan tâm phát triển một số ngành đào tạo đại học trọng điểm đạt chuẩn khu vực và quốc tế; phát triển các ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành và các ngành khoa học cơ bản, các chuyên ngành đào tạo nền tảng nhằm triển khai có hiệu quả chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” của Chính phủ. Đồng thời tăng tính liên thông giữa các ngành đào tạo, đa dạng hóa các hình thức đào tạo; phát triển hệ sinh thái giáo dục đại học theo hướng hiện đại, dân chủ, sáng tạo, cá nhân hóa, học tập suốt đời và phát triển toàn diện người học.

ĐHTN định hướng lựa chọn một số ngành trọng điểm thuộc các lĩnh vực: Nông - Lâm nghiệp (gắn với công nghệ cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, trải nghiệm tại doanh nghiệp…); lĩnh vực Công nghệ y sinh (gắn với công nghệ sản xuất thuốc, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học); lĩnh vực Khoa học xã hội, Ngôn ngữ và văn hóa (gắn với việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển vùng, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa vùng miền); lĩnh vực Công nghiệp - Công nghệ thông tin (gắn với các sản phẩm công nghệ cao và được thương mại hóa…); lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường (gắn với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng GPS và viễn thám, bảo tồn tài nguyên thiên thiên)...

Ngoài chương trình đào tạo của các ngành trọng điểm, ĐHTN tiếp cận chương trình đào tạo của các trường đại học có xếp hạng cao của thế giới, gắn với các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, kiến tạo môi trường học thuật đổi mới và sáng tạo. Đồng thời quan tâm phát triển chương trình giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên, lồng ghép giáo dục khởi nghiệp, giáo dục phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các chương trình đào tạo của ĐHTN...

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202505/xung-dang-la-trung-tam-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-8032109/