Trung Quốc siết kiểm tra sầu riêng, nguy cơ xuất khẩu rau quả không đạt mục tiêu

Xuất khẩu rau quả quý I/2025 giảm hơn 11% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ sự tụt dốc mạnh của xuất khẩu sầu riêng.

Xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh tới 70% trong hai tháng đầu năm 2025. Ảnh: Hoàng Anh.

Xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh tới 70% trong hai tháng đầu năm 2025. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), sầu riêng từ là ngành hàng chủ lực, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong một vài năm gần đây, tuy nhiên đã sụt giảm tới 70% trong hai tháng đầu năm.

Nguyên nhân đến từ việc Trung Quốc đang tiến hành kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam và cả Thái Lan, khiến hàng hóa bị mất nhiều thời gian thông quan, suy giảm chất lượng, thậm chí là hư hỏng.

Tình trạng này tiếp tục tái diễn, trong bối cảnh nhiều địa phương chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch chính vụ sầu riêng. Nguy cơ tắc nghẽn hàng hóa, kéo theo thu nhập của bà con nông dân cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện trạng này.

Tính chung ba tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 520 triệu USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2024. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực của rau quả Việt Nam, chiếm khoảng 44% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trái ngược với thị trường Trung Quốc, tại một số thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Úc đều có mức tăng trưởng khả quan. Trong đó, riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng 65% so với cùng kỳ, đạt tổng kim ngạch hơn 111 triệu USD.

Việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc giảm mạnh khiến Vinafuit nhận định xuất khẩu rau quả khó đạt mục tiêu 7 tỷ USD năm 2025. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit, cho biết, một số mặt hàng mới được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như ớt và chanh leo khó có thể tạo đột phá bởi Trung Quốc đã tự trồng được các loại nông sản này với sản lượng lớn.

Trong khi đó, xuất khẩu thanh long khó quay lại thời kỳ đỉnh cao do Trung Quốc đã phát triển canh tác thanh long nội địa. Một số rau quả như chuối dù tăng trưởng khả quan nhưng không chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả.

Vinafruit cho rằng, để vượt qua khó khăn trước mắt, doanh nghiệp và bà con nông dân cần tập trung liên kết chuỗi sản xuất, tìm kiếm giải pháp kiểm soát hàm lượng các chất như cadimi, vàng O để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Về lâu dài, cần tận dụng 19 hiệp định tự do thương mại đã ký kết và đang đàm phán để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/trung-quoc-siet-kiem-tra-trai-sau-nguy-co-xuat-khau-rau-qua-khong-dat-muc-tieu-d39826.html