Sơn La triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025
Ngày 22/4, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (Ban Chỉ đạo 598) đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo, triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025.

Họp Ban Chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025.
Dự cuộc họp có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả thu hoạch năm 2025 ước đạt trên 510.000 tấn, tăng 31% so với năm 2024. Một số loại cây ăn quả dự kiến có sản lượng lớn, gồm: Chuối 63.000 tấn; mận gần 100.000 tấn; xoài gần 100.000 tấn và nhãn 155.000 tấn… Thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 3 đến tháng 11.

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đang hỗ trợ, duy trì 218 mã số vùng trồng với tổng diện tích 3.142 ha và 8 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu; các sản phẩm đóng gói gồm nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo. Phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, tổng diện tích trên 4.500 ha, sản lượng cung ứng ra thị trường đạt trên 50.000 tấn/năm. Sản lượng quả phục vụ chế biến cho các nhà máy, cơ sở chế biến trong tỉnh khoảng 100.000 tấn, còn lại là tiêu thụ trong nước.

Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại cuộc họp.
Dự báo thị trường tiêu thụ nông sản 2025, Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm, với 12 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch và đang có xu hướng gia tăng nhập khẩu các sản phẩm rau, quả chế biến từ Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu nông lâm sản, thực phẩm toàn cầu dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2025 do biến động chính trị, tác động của biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Công đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát quy hoạch vùng phát triển cây ăn quả; tiếp tục tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chọn giống, cải tiến kỹ thuật canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và nhất là nông dân ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng số vào hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản. Các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lựa chọn đơn vị thu gom chuyên nghiệp làm đầu mối thu gom, hình thành mạng lưới đóng gói sản phẩm đủ khả năng thực hiện các đơn hàng chế biến, xuất khẩu lớn, đáp ứng yêu cầu của nhà máy chế biến và đơn vị xuất nhập khẩu…