Trung Quốc siết xuất nhập khẩu vì 'zero COVID', doanh nghiệp Việt điêu đứng

Không chỉ siết cửa khẩu, Trung Quốc còn kiểm soát cảng biển để thực hiện chiến lược 'zero COVID', làm hàng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt bị chặn đứng.

Chia sẻ với VTC News, ông Trần Tuấn Thành, Giám đốc một công ty sản xuất thiết bị phụ trợ ô tô tải, container có nhà máy đặt tại khu chế xuất Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết, đã nhiều năm nay, ông là đối tác tin cậy của một số doanh nghiệp, hãng xe Trung Quốc do vừa nhập nguyên liệu sắt thép về nhà máy để sản xuất, gia công vừa xuất thiết bị ngược lại phía Trung Quốc.

Những năm trước, việc nhập và xuất hàng không có gì khó khăn, bởi hai bên thường ký kết hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, quá trình này đang rất ách tắc, trì trệ do phía Trung Quốc triển khai chiến dịch “zero COVID” nên kiểm soát rất gắt tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển. Theo ông Thành, trước đây, khi đặt hàng và vận chuyển bằng đường biển mất khoảng 35 ngày thì nay dù kéo dài hơn 10 ngày vẫn có thể chưa nhận được.

“Trước đây, hàng có thể chuyển đi bằng đường sắt, đường bộ nhưng do bị gián đoạn nên doanh nghiệp phải chọn lựa đường biển. Nhưng nay, nhiều cảng biển cũng bị phong tỏa, nhất là từ đầu năm đến giờ. Hiện công ty của tôi đã chậm hai lô hàng nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh và phải tiến hành đàm phán lại với đối tác để có phương án tháo gỡ", ông Thành nói.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát COVID-19 bằng việc phong tỏa cảng biển. (Ảnh minh họa: Cục Hàng hải)

Trung Quốc tăng cường kiểm soát COVID-19 bằng việc phong tỏa cảng biển. (Ảnh minh họa: Cục Hàng hải)

Tương tự, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc công ty thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) - Phó Chủ tịch hiệp hội rau quả Việt Nam, cũng thông tin: Mới đây, một số hãng tàu chở hàng đã thông báo là không thể vận chuyển qua các cảng biển như Diêm Điền (Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông), Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông)... vì tàu bị tắc nghẽn khi phía Trung Quốc phong tỏa một số cảng để thực hiện chính sách "zero COVID".

“Khi số lượng tàu neo đậu càng tăng thì hàng càng chậm tiêu thụ, làm tăng chi phí rất lớn. Giá mỗi container lạnh ước đạt 8.000 - 9.000 USD/container cao gấp 5-6 lần so với container bình thường. Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp tốn kém mà còn có nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa”, ông Hiệp thông tin.

Khi được hỏi vì sao doanh nghiệp không tìm đầu mối hoặc nước thứ 3 để xuất khẩu lô hàng hóa trên, ông Hiệp giải thích, hàng nước nào đặt thì được sản xuất theo tiêu chuẩn, mẫu mã của nước đó và đã được kiểm định, đánh giá trong quá trình sản xuất.

“Hàng nông sản có thời gian bảo quản ngắn, khi vận chuyển từ Trung Quốc sang nước khác rồi tìm đối tác cũng phải mất ít nhất từ 10 ngày đến cả tháng và tăng chi phí vận tải lên gấp đôi, thậm chí không thể tiêu thụ được vì không còn phù hợp với tiêu chuẩn, mẫu mã và khó tìm được doanh nghiệp đối tác. Khi đó hàng hóa đã hư hỏng, chí phí lại đội lên gấp 3-4 lần giá trị lô hàng”, ông Hiệp nói thêm.

Doanh nghiệp trái cây gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Doanh nghiệp trái cây gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Đại diện nhiều doanh nghiệp khác cũng thông tin rằng các cảng lớn của Trung Quốc như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, Đông Quan...đều đang tăng cường kiểm soát cả hàng nhập khẩu về Trung Quốc cũng như hàng từ Trung Quốc xuất khẩu đến các nước.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc công ty Trung Kiên Hà Nam - doanh nghiệp nhập một số linh kiện phục vụ cho sản xuất, lắp giáp thiết bị viễn thông tại quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, việc tăng cường kiểm soát dịch từ phía Trung Quốc đã khiến 2 lô hàng linh kiện nhập về chậm gần 30 ngày. Do điều kiện bất khả kháng nên các công ty vận tải không tính cước phát sinh, đồng thời doanh nghiệp cũng không thể xử phạt đối tác phía Trung Quốc về việc chậm trễ chuyến hàng theo hợp đồng đã ký kết cũng như thông lệ thương mại quốc tế.

“Các doanh nghiệp đối tác đã gửi thư xin lỗi về sự cố và chúng tôi cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc do gặp phải tình huống dịch bệnh bất khả kháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không tránh khỏi bị phát sinh một phần nhỏ chi phí sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, ngoài ra cũng ảnh hưởng đến ”, ông Kiên nói.

Quy định ngặt nghèo làm khó doanh nghiệp

Trong khi đó, bà bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) phản ánh về tình trạng các lô hàng nhập cảng phải xếp hàng để chờ đến lượt test COVID-19, có thể test ngẫu nhiên hoặc 100%, nếu có virus COVID-19 thì quy mô test sẽ mở rộng, thậm chí có khả năng buộc tiêu hủy. Quy trình này khiến không ít lô hàng trái cây tươi bị hư hỏng.

“Không những thế mới đây, các hãng tàu tiếp tục tăng giá 1.000 - 2.000 USD/container, dù vậy việc book các container chứa và bảo quản hàng để vận chuyển lên tàu cũng rất khó khăn, thậm chí là book cả tuần đến nửa tháng cũng không có”, bà Vy nói.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, chiến lược "zero COVID" của Trung Quốc đã khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là về xuất khẩu hàng hóa nông sản.

Với Việt Nam, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 19,7 tỷ USD, trong đó nhập từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD và xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,18 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc bao gồm máy móc, thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ngoài ra một số ngành khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn có thể kể đến như: sản phẩm liên quan đến ngành dệt may, sắt thép, hóa chất, phân bón,…

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện; nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm dệt may, sắt thép các loại, thủy hải sản, nông sản, trái cây…

“Do đó, việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các cửa khẩu, cảng biển sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải thì chính các doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng, theo quy định phòng dịch của đối tác để tránh xảy ra các trường hợp phải trả giá như bị ngừng xuất khẩu, bị đình chỉ xuất khẩu, bị trả lại hàng hóa hoặc các hành vi ngăn chặn đáng tiếc từ đối tác”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, đánh giá chi tiết hơn về ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc tới các ngành nghề Việt Nam, theo một báo cáo của Chứng khoán BSC, điều này có thể tác động tiêu cực đến nhóm thủy sản và cảng biển.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtc.vn/trung-quoc-sie-t-xua-t-nha-p-kha-u-vi-zero-covid-doanh-nghie-p-vie-t-dieu-du-ng-ar667715.html