Trung Quốc tái mở cửa - Bài 2: Đánh đổi để chờ thời cơ chín muồi?

Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ đan xen, tác động như thế nào cũng là vấn đề phải quan tâm.

Nhân viên y tế chuyển rào chắn tại một khu dân cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/12/2022 sau khi các quy định về phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển rào chắn tại một khu dân cư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 9/12/2022 sau khi các quy định về phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung Quốc từng tổ chức thành công hai sự kiện thể thao lớn là Olympic mùa đông vào tháng 2/2022 và Paralympic mùa đông hồi tháng 3/2022 tại thủ đô Bắc Kinh. Nhưng sau đó, nước này đã phải lùi thời gian tổ chức Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 một năm, từ dự kiến ban đầu vào tháng 9/2022 sang tháng 9 - 10/2023. Quyết định này có thể xuất phát từ nhận định trận chiến với COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Quả thực, biến thể Omicron cùng các dòng phụ và những loại virus bí ẩn khác luôn khiến chúng ta phải bất ngờ.

Nhìn lại từ mùa hè 2021, trong khi phần lớn thế giới đã nới lỏng các chính sách kiểm soát dịch, sau đó toàn cầu chuyển sang trạng thái sống chung với đại dịch từ đầu năm nay, thì Trung Quốc vẫn kiên trì với "Zero COVID", một chính sách kiểm soát chặt chẽ, hướng tới mục tiêu hoàn toàn sạch dịch mới bình thường hóa mọi hoạt động. Không thể phủ nhận chính sách Zero-COVID đã cứu sống nhiều sinh mạng ở Trung Quốc. Nhưng cũng không thể phủ nhận việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách này trong một thời gian kéo dài liên tục dã khiến nền kinh tế Trung Quốc và đời sống của người dân đối mặt với không ít khó khăn.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy thông hành của người dân khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được ban hành tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 1/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy thông hành của người dân khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được ban hành tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 1/9/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ năm 1980 đến năm 2020, kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 9%. Tuy nhiên, trong năm 2022 - 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng dưới 4%. Riêng năm 2022, Goldman Sachs dự báo kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3%. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ở mức dương, nhưng đã suy giảm nghiêm trọng so với trước đây.

Tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, những đợt phong tỏa liên tiếp, kéo dài đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh số bán lẻ, tiêu dùng và rất nhiều lĩnh vực dịch vụ sử dụng số lượng lớn lao động, dẫn tới tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Số liệu mới nhất cho thấy sau khi giảm 0,5% trong tháng 10/2020 so với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trở thành nỗi thất vọng lớn trong tháng 11 khi giảm tới 5,9%, cao hơn nhiều so với dự đoán của thị trường là 3,7%, là mức giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2022. Đây rõ ràng là chỉ báo không tốt cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý IV/2022.

Dữ liệu kinh tế mới nhất còn cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 11 của Trung Quốc chỉ tăng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của thị trường (3,6%) cũng như mức tăng trưởng 5% trong tháng 10. Đồng thời, từ tháng 10/2022, tín hiệu xấu đã xuất hiện khi xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 10 bất ngờ giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục giảm 8,7% trong tháng 11, cao hơn gấp đôi so với dự báo của thị trường (giảm 3,5%). Nhập khẩu của Trung Quốc tháng 11/2022 cũng giảm mạnh (10,6%) so với mức giảm 0,7% trong tháng 10/2022.

Ngoài ra có thể thấy, chính sách Zero-COVID còn thúc đẩy làn sóng rời khỏi thị trường Trung Quốc của nhiều công ty lớn. Trang Global Trade Review dẫn lời chuyên gia Kaho Yu của Verisk Maplecroft cho hay sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản. “Trong nhiều thập niên, các công ty lệ thuộc vào chuỗi cung ứng chỉ từ Trung Quốc. Đại dịch là lời cảnh báo cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc và tránh bị gián đoạn tương tự trong tương lai”, chuyên gia này phân tích. Về phần mình, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Mỹ từng gọi hoạt động thoái vốn của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc là “chưa từng có”.

Một tàu chở dầu bơm dầu xuống tại cảng Chu Sơn, tỉnh Chiêt Giang. Ảnh: Reuters

Một tàu chở dầu bơm dầu xuống tại cảng Chu Sơn, tỉnh Chiêt Giang. Ảnh: Reuters

Nhưng sẽ hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng việc theo đuổi chính sách Zero-COVID tức là Trung Quốc khoanh tay ngồi nhìn. Bắc Kinh vẫn mở những ô cửa lớn dõi theo tình hình thế giới và phản ứng rất mau lẹ. Trung Quốc chi hàng tỷ USD mua dầu Nga để dự trữ; ký thành công nhiều hợp đồng khí đốt, dầu thô khổng lồ với Qatar, Iran; từng bước thâu tóm những dự án liên quan tới lợi ích chiến lược ở Trung Á, Nam Á; kéo Nga vào liên minh tài chính nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế... Các nhà ngoại giao con thoi Trung Quốc cũng liên tục bay đi bay về giữa Trung Đông, vùng Nam Thái Bình Dương để thỏa thuận hợp tác kinh tế, quốc phòng, hàng hải.

Có thể nói trong hơn ba năm đại dịch, Bắc Kinh đã hoàn thành khối lượng công việc ngoại giao khổng lồ, thiết lập ảnh hưởng ngày càng rộng. Sau khi tích lũy đủ năng lực chống lạm phát và suy thoái kinh tế, đồng nhân dân tệ đã hồi phục mạnh so với đồng USD và dự trữ năng lượng cũng dồi dào, phải chăng đây chính là thời cơ chín muồi để Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế?

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-tai-mo-cua-bai-2-danh-doi-de-cho-thoi-co-chin-muoi-20221216111816229.htm