Trung Quốc tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Phi

Thỏa thuận chung Dar es Salaam giữa Trung Quốc và châu Phi gần đây cho thấy, hai bên phối hợp các sáng kiến quốc tế và các kế hoạch quốc gia để tăng cường sự phát triển chất lượng cao, bền vững, bao gồm và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo ở châu Phi.

Công nhân Nam Phi lắp ráp nhà máy điện năng lượng tái tạo do Trung Quốc đầu tư. Ảnh: China Daily

Công nhân Nam Phi lắp ráp nhà máy điện năng lượng tái tạo do Trung Quốc đầu tư. Ảnh: China Daily

Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề quan trọng được nhấn mạnh trong trong thỏa thuận Dar es Salaam. Đây là cơ hội để Trung Quốc hành động như một cường quốc có trách nhiệm trong chuyển đổi xanh. Mặc dù lượng khí thải CO2 của châu Phi chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng khí thải này của thế giới, các nước châu Phi lại chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn so với các lục địa khác.

Theo Chỉ số phát triển thế giới 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB), châu Phi là khu vực tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Tiêu thụ năng lượng mạnh dẫn đến khí thải CO2 đang tăng lên, do đó áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách châu Phi sẽ tăng lên.

Theo Báo cáo dân số thế giới của Liên hợp quốc, dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng từ 1,3 tỷ người vào năm 2025 lên 2,2 tỷ vào năm 2050, tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Đồng thời, châu Phi đang đô thị hóa nhanh chóng, tăng trung bình 14,7 triệu người sống ở các thành phố mỗi năm kể từ năm 1990 và dự kiến sẽ tăng lên trung bình 38 triệu người mỗi năm vào năm 2050. Sự thiếu hụt năng lượng sẽ là trở ngại nghiêm trọng cho tăng trưởng kinh tế của châu Phi. Tác động của việc này có thể cản trở tiến bộ trong phúc lợi kinh tế xã hội như giáo dục, y tế và tiếp cận với nước sạch và thực phẩm. Nhiên liệu hóa thạch hiện chiếm khoảng trên 70% tổng sản lượng điện ở châu Phi.

Trung Quốc được chú ý như một nước đi đầu toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất điện tái tạo. Đã có những tiến bộ đáng kể trong việc áp dụng và sử dụng các công nghệ năng lượng tái tạo ở các thành phố của Trung Quốc, dẫn đến việc tiếp cận và tiết kiệm điện nhiều hơn. Các nước như Ai Cập và Nam Phi đang quay sang hợp tác với Trung Quốc để phát triển điện gió, dẫn đến sản lượng xuất khẩu thiết bị của Trung Quốc tăng mạnh. Trong đó, châu Phi trở thành thị trường quan trọng cho xuất khẩu thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo của Trung Quốc.

Nghiên cứu từ Đại học Boston, Mỹ cho thấy, Trung Quốc có cơ hội để thúc đẩy một cuộc cách mạng năng lượng ở châu Phi. Bắc Kinh đã nổi lên như đối tác thương mại song phương lớn nhất của lục địa đen kể từ đầu thế kỷ này và đã tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Năm 2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài, cam kết đối phó với biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ phát triển năng lượng xanh và ít carbon. Tuy nhiên, cho đến nay, số tiền Trung Quốc cho châu Phi vay phát triển năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và gió chỉ chiếm 2% trong số 52 tỷ USD cho vay sản xuất điện ở châu Phi từ năm 2000 đến năm 2022, trong khi hơn 50% được phân bổ cho nhiên liệu hóa thạch. Các nhà kinh tế cho rằng, với những thách thức kinh tế hiện tại và các cơ hội chuyển đổi năng lượng trong tương lai, Trung Quốc có thể đóng vai trò góp phần giúp châu Phi tiếp cận và chuyển đổi năng lượng thông qua thương mại, tài chính và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trung-quoc-tang-dau-tu-vao-nang-luong-tai-tao-o-chau-phi-post749102.html