Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh
Trung Quốc là thị trường tiềm năng về xuất khẩu sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm này sang thị trường 1,4 tỷ dân thuận lợi hơn.
Ngày 19/9, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD mỗi năm
Tháng 8 vừa qua, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này. Đây là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh; con số này dự kiến cũng sẽ tăng.
Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Thông tin thêm về nhiệt độ và thời gian bảo quản thích hợp sầu riêng đông lạnh, theo Cục Bảo vệ thực vật, trong bản dự thảo đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu bảo quản lạnh trong 8 giờ đồng hồ. Tham khảo quy định của Thái Lan, Malaysia, chúng ta đưa ra phương án bảo quản lạnh -18 độ trong 1 giờ. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ lạnh sâu, nhanh. Công nghệ này hiện đại, giữ được sầu riêng tươi ngon lâu.
Theo ông Hiếu, ngành hàng sầu riêng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Một trong các thách thức mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là Trung Quốc đang thử nghiệm 2.700ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam. Tiếp đến, việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước, khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra.
“Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, thì Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều rất không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”- ông Hiếu nói.
Một trong những điều khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm”. Do đó, nó sẽ phải tuân thủ Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp của nước ngoài khi xuất khẩu hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này (Lệnh 248). Các đơn vị muốn xuất khẩu phải đăng ký và được phía Trung Quốc chấp thuận. Nhãn mác phải ghi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung, bắt buộc phải có dòng chữ "This product is being exported to the People's Republic of China". Cục Bảo vệ thực vật lưu ý các đơn vị ghi nguyên văn dòng này, không dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Trung.
13 tiêu chí đánh giá doanh nghiệp nhập khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc
Theo Lệnh 248, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc phải thực hiện quy định đăng ký mới. Quy định này yêu cầu các cơ sở phải đăng ký và được cấp phép trước khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Trung Quốc.
Lệnh 248 quy định việc đăng ký xuất khẩu sản phẩm thủy sản trên Hệ thống Thương mại Một cửa (CIFER) của GACC. Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được GACC đánh giá theo 13 tiêu chí và công nhận là tương đương với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Một số tiêu chí gồm tiêu chuẩn và biện pháp quản lý nguyên liệu thô, truy xuất nguồn gốc, thiết lập và vận hành hệ thống HACCP, làm sạch và tiệt trùng, kiểm soát hóa chất/chất thải…
Đối với sầu riêng đông lạnh, doanh nghiệp phải thiết lập một hệ thống quản lý ATTP hiệu quả. Kho chứa lạnh cần đáp ứng tiêu chuẩn, cũng như chất lượng nước, hơi nước dùng trong quá trình sản xuất phải đảm bảo.
Sau khi nhận hồ sơ từ doanh nghiệp, GACC sẽ thẩm tra, xử lý hồ sơ và thông báo kết quả trên hệ thống CIFER. Doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ nhận được số đăng ký tại Trung Quốc. Giấy phép đăng ký có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp...
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh thêm, Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Do đó, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường 1,4 tỷ dân thuận lợi hơn.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, năm 2023, Trung Quốc đã chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng tươi từ các nước và 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan và Malaysia. Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.