Trung Quốc thay chuẩn sữa tiệt trùng, bỏ sữa hoàn nguyên và việc Việt Nam cần làm
Từ 16/9/2025, Trung Quốc chỉ công nhận sữa tiệt trùng làm từ sữa tươi nguyên liệu, không chấp nhận sản phẩm sử dụng sữa hoàn nguyên.
Chỉ sản phẩm dùng sữa tươi mới được ghi nhãn "sữa tiệt trùng"
Ngày 16/3/2025, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc phối hợp với Tổng cục Quản lý Giám sát thị trường Trung Quốc ban hành Phụ lục sửa đổi số 1 của tiêu chuẩn GB 25190-2010 "Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia đối với sữa tiệt trùng".
Phụ lục này có hiệu lực từ ngày 16/9/2025 với nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến việc sử dụng sữa hoàn nguyên trong sản xuất sữa tiệt trùng.
Việc sửa đổi hướng tới chuẩn hóa định nghĩa sữa lỏng, khuyến khích tiêu dùng sữa tươi và nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường nội địa Trung Quốc.

Trung Quốc công bố tiêu chuẩn quốc gia về sữa tiệt trùng - Ảnh minh họa
Theo đó, Trung Quốc chính thức loại bỏ cụm từ “có thể thêm hoặc không thêm sữa hoàn nguyên” ra khỏi định nghĩa các loại sữa tiệt trùng như sữa tiệt trùng nhiệt độ cực cao (UHT) và sữa tiệt trùng giữ nhiệt. Đồng thời, nhiều quy định kỹ thuật và yêu cầu ghi nhãn liên quan đến sữa hoàn nguyên cũng bị bãi bỏ.
Trong chương trình sữa học đường, quy định cấm sử dụng sữa hoàn nguyên đã được áp dụng từ năm 2000. Theo chương trình này, các doanh nghiệp phải sử dụng 100% sữa tươi nguyên chất trong toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm dành cho học sinh.
Việc hạn chế hoặc không cho phép sử dụng sữa hoàn nguyên trong sản xuất sữa tiệt trùng không chỉ có tại Trung Quốc. Nhiều quốc gia và khu vực cũng đưa ra quy định tương tự.
Tại Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Singapore, sữa tiệt trùng chỉ được sản xuất từ sữa tươi nguyên liệu. Tại Hoa Kỳ, chỉ trong trường hợp thị trường thiếu hụt nguồn cung sữa tươi, doanh nghiệp mới được phép sử dụng sữa hoàn nguyên. Ở Brazil, sữa hoàn nguyên chỉ được sử dụng khi có lý do bất khả kháng như thiếu nguồn cung hoặc rủi ro thời tiết.
Tuy vậy, một số nước vẫn sử dụng sữa hoàn nguyên cho mục đích xuất khẩu. Úc và New Zealand hiện vẫn dùng sữa bột hoàn nguyên làm nguyên liệu sản xuất sữa tiệt trùng phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Cần thay đổi để xuất khẩu và tiêu dùng bền vững
Việc loại bỏ hoàn toàn cụm từ “sữa hoàn nguyên” ra khỏi tiêu chuẩn sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến cả thị trường nội địa lẫn hoạt động nhập khẩu.
Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ được phép sản xuất, ghi nhãn và phân phối các sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không được sử dụng sữa bột pha lại nếu vẫn muốn ghi nhãn là “sữa tiệt trùng”.
Chính sách này phù hợp với chiến lược tăng tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm cũng như thúc đẩy mô hình sản xuất theo chuỗi “tuần hoàn kép” mà Trung Quốc đang triển khai.
Năm 2023, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 3.900 tỷ Nhân dân tệ các sản phẩm sữa, trong đó sữa dạng lỏng chiếm 78,1%. Riêng sữa UHT đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 8-9 tỷ lít. Trung Quốc nhập khẩu 2,87 triệu tấn sữa các loại trong năm, trị giá hơn 12 tỷ USD. Trong đó, sữa lỏng nhập khẩu đạt 835 nghìn tấn và sữa bột đạt 2 triệu tấn. Các thị trường cung cấp chính gồm New Zealand, Pháp, Đức…
Với Việt Nam, từ khi hai bên ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động vật (tháng 10/2019), một số sản phẩm sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tuy kim ngạch còn hạn chế. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm sữa sang Trung Quốc đạt 801 nghìn USD, trong đó sữa và kem không cô đặc (mã HS 0401) đạt 321 nghìn USD, sữa chua và sữa lên men (mã HS 0403) đạt 478 nghìn USD. Trong 5 tháng đầu năm 2025, con số này đạt 317,4 nghìn USD.

Để tiếp tục duy trì xuất khẩu, cần thay thế sữa hoàn nguyên bằng sữa tươi nguyên liệu - Ảnh minh họa
Theo quy định mới, từ ngày 16/9/2025, các sản phẩm có sử dụng sữa hoàn nguyên sẽ không được phân loại là "sữa tiệt trùng" tại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục xuất khẩu dưới tên gọi hiện tại. Doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tiếp tục duy trì xuất khẩu cần điều chỉnh quy trình sản xuất, thay thế sữa hoàn nguyên bằng sữa tươi nguyên liệu.
Các sản phẩm không kịp điều chỉnh sẽ phải ghi nhãn theo nhóm “sữa pha chế”. Ngoài ra, yêu cầu sử dụng sữa tươi còn dẫn đến việc thay đổi quy trình sản xuất, bảo quản, logistics và chuỗi lạnh để đảm bảo chất lượng nguyên liệu. Những yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và khả năng giữ thị phần của sản phẩm sữa Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
Cần bạch tên gọi các loại sữa
Tại Việt Nam, việc phân loại được áp dụng theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2010 (QCVN 5-1: 2010/BYT) do cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký. Trong đó, các khái niệm chính được phân định như: Sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.
Tuy nhiên, các tên gọi được đánh giá là gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trong thực tế, đa số người mua chỉ biết đến hai nhóm sữa tươi và sữa bột, trong khi rất nhiều sản phẩm trên thị trường là sữa pha lại từ sữa bột nhưng được quảng cáo hoặc trình bày tương đương với sữa tươi. Bao bì sản phẩm lại thường sử dụng cách mô tả chung chung, khó phân biệt về bản chất nguyên liệu, khiến người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm pha lại là sữa tươi.
Trước thực trạng này, sau một thời gian tranh luận, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 5-1:2017/BYT với nhiều thay đổi quan trọng, trong đó, bỏ khái niệm sữa tiệt trùng để thay bằng hai tên gọi mới là sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.
Việc phân loại rạch ròi như trên giúp người tiêu dùng hiểu rõ bản chất nguyên liệu, không đánh đồng sữa dạng lỏng với sữa tươi, đồng thời tiệm cận thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, tròn 6 tháng sau, ngày 11/9/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 36/2017/TT-BYT bãi bỏ toàn bộ Thông tư số 03/2017/TT-BYT ngày 22/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng.
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang áp dụng quy chuẩn cũ là QCVN 5-1:2010/BYT. Trong bối cảnh thị trường sữa ngày càng đa dạng, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc và thành phần sản phẩm, việc thiếu một quy định rõ ràng, thống nhất và minh bạch về tên gọi sản phẩm sữa có thể gây ảnh hưởng đến cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Việc Trung Quốc sửa đổi tiêu chuẩn GB 25190-2010, loại bỏ hoàn toàn khái niệm sữa hoàn nguyên khỏi định nghĩa sữa tiệt trùng và yêu cầu chỉ dùng sữa tươi nguyên liệu là một minh chứng cho xu hướng chuẩn hóa sản phẩm sữa theo hướng minh bạch và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng xem xét ban hành lại một hệ thống phân loại sữa khoa học, rõ ràng và phù hợp thực tế. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mà còn là điều kiện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.