Không thể chống hàng giả hiệu quả nếu luật vẫn để trống trách nhiệm
HNN - Khi một gói sữa bột bị làm giả, một bao gạo pha trộn hóa chất được bán ra thị trường, hay một viên thuốc giả lọt vào tủ thuốc gia đình, hậu quả không chỉ là thiệt hại kinh tế, mà còn là sự xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân với chính sách bảo vệ người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cần xem kỹ thông tin sản phẩm cần mua trên bao bì (ảnh minh họa). Ảnh: Hoàn Mỹ
Thế nhưng, điều khiến dư luận bức xúc hơn cả lại không nằm ở tính chất nghiêm trọng của từng vụ việc, mà ở chỗ không có ai chịu trách nhiệm chính.
Câu hỏi “Ai chịu trách nhiệm khi hàng giả tràn lan?” đã được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu thẳng thắn trong phiên họp ngày 3/6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đây không chỉ là một phát biểu đúng thời điểm, mà còn là một chỉ dấu cho thấy hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng hàng hóa đang tồn tại một lỗ hổng thể chế nghiêm trọng.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dù tồn tại ở lĩnh vực nào, cũng đều xuất phát từ một điểm chung: Thiếu chuẩn mực kỹ thuật có giá trị cưỡng chế và thiếu cơ chế giám sát hậu kiểm đủ mạnh.
Từ thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến gạo, sữa, đồ gia dụng…, nhiều loại hàng hóa hiện vẫn dựa vào hình thức tự công bố tiêu chuẩn hoặc hợp quy, nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá, giám sát sau khi được phép lưu hành.
Thực tế cho thấy, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan đầu mối về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhưng việc thực thi, kiểm tra và hậu kiểm lại thuộc về các bộ, ngành quản lý chuyên ngành như Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường…
Chính sự phân mảnh này đã tạo ra khoảng trống trong quản lý nhà nước: Ai cũng có trách nhiệm chung chung, nhưng không ai đủ quyền lực hay bị ràng buộc trách nhiệm cụ thể nếu sản phẩm giả lọt lưới.
Đã đến lúc phải dừng việc “chia đều trách nhiệm”, vốn dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh, để thay vào đó là nguyên tắc một việc - một cơ quan chịu trách nhiệm chính.
Bộ nào chủ quản sản phẩm, thì phải gánh cả trách nhiệm từ đầu vào tiêu chuẩn đến hậu kiểm thị trường. Bộ KH&CN với vai trò xây dựng và cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, phải thiết kế hệ thống kỹ thuật số hóa, đồng bộ và công khai, để mọi sản phẩm lưu thông trên thị trường đều được định danh và truy xuất rõ ràng.
Sự “tù mù” trong pháp lý, như Chủ tịch Quốc hội cảnh báo, nếu không được giải quyết triệt để, sẽ khiến luật mất hiệu lực trong thực tiễn.
Một điểm nóng khác đang gây tranh cãi là đề xuất bỏ thủ tục công bố hợp quy. Có quan điểm cho rằng thủ tục này rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và làm phát sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở bản thân thủ tục, mà ở cách thức tổ chức thực hiện. Không thể vì không kiểm soát được thủ tục mà xóa bỏ cả rào chắn kỹ thuật tối thiểu bảo vệ người tiêu dùng.
Ngược lại, cần giữ lại công bố hợp quy, nhưng cải tiến theo hướng điện tử hóa toàn bộ quy trình, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn hài hòa với quốc tế, và đặc biệt là thiết lập cơ chế giám sát hậu kiểm một cách thực chất.
Chống hàng giả không thể chỉ làm mạnh tay sau khi xảy ra vụ việc, mà phải bắt đầu từ thể chế kiểm soát rủi ro - nơi các tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng bài bản, có tính khả thi và phản ánh đúng yêu cầu thị trường. Trong đó, doanh nghiệp, với tư cách là người sản xuất, kinh doanh, cần được tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng Nhà nước phải giữ vai trò bảo vệ lợi ích công cộng, đặc biệt là sức khỏe, an toàn và quyền lợi người tiêu dùng.
Khi luật không rõ ràng, tiêu chuẩn không cập nhật, và trách nhiệm bị pha loãng, thì hàng giả tất yếu sẽ lợi dụng các kẽ hở để len lỏi vào từng ngóc ngách thị trường. Hàng giả không phải là lỗi của thị trường, mà là hệ quả của một hệ thống quản lý thiếu kiểm soát rủi ro, thiếu phối hợp dữ liệu, thiếu trách nhiệm cụ thể.
Một đạo luật sửa đổi chỉ thật sự có ý nghĩa nếu tạo được sự thay đổi tận gốc trong tư duy quản lý, từ hình thức sang thực chất, từ đầu vào đến cả vòng đời của sản phẩm. Không thể tiếp tục để tình trạng “chất lượng hàng hóa là chuyện của doanh nghiệp, còn trách nhiệm là chuyện không của riêng ai”.
Hàng giả không thể biến mất chỉ bằng những cuộc ra quân xử lý đơn lẻ, càng không thể dẹp yên nếu luật vẫn mập mờ, chồng chéo và thiếu địa chỉ chịu trách nhiệm rõ ràng.
Chống hàng giả là bảo vệ lòng tin. Mà lòng tin thì không thể được phục hồi bằng những lời hứa, mà phải được đặt trên nền móng của một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và có người chịu trách nhiệm đến cùng.