Trung Quốc thiếu điện, thị trường hàng hóa toàn cầu đảo lộn
Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc khiến các nhà máy điêu đứng. Đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu, mọi tính toán về cung - cầu hàng hóa bị đảo lộn.
Theo Nikkei Asian Review, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã xáo trộn mọi tính toán về cung và cầu của những mặt hàng quan trọng nhất thế giới. Giá cả bị đẩy vọt lên. Giới quan sát nhận định đà tăng vẫn chưa kết thúc.
Sức ép từ mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng của chính quyền Trung Quốc đang gây sức ép lớn lên các nhà sản xuất. Giới đầu tư đổ dồn sự chú ý vào ngành thép, vốn là mục tiêu chính của những thay đổi chính sách của Bắc Kinh. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng đáng kể khi các hoạt động xây dựng trên toàn quốc đình trệ.
Giá tăng phi mã
Giá quặng sắt (thành phần chính của thép) đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm nay đến giữa tháng 7. Hồi đầu năm, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các nhà máy thép duy trì tổng sản lượng năm 2021 ngang bằng mức năm 2020. Vào tháng 4, sản lượng thép của nước này đang ở ngưỡng kỷ lục.
Kể từ tháng 7, Bắc Kinh bắt đầu yêu cầu các nhà máy thép tuân thủ mục tiêu nghiêm ngặt. Theo ông Atsushi Yamaguchi - nhà phân tích của SMBC Nikko Securities, sản lượng thép tháng 8 đã giảm 12% so với một năm trước đó và thấp hơn 15% so với mức tháng 4.
Để sản lượng thép năm 2021 không vượt quá năm 2020, các nhà máy thép của Trung Quốc buộc phải duy trì mức sụt giảm lớn của tháng 8 trong phần còn lại của năm.
Không dừng lại ở đó, tuần trước, Bộ Công nghiệp Trung Quốc tiếp tục yêu cầu nhiều nhà máy thép cắt giảm sản lượng. Chính sách này cũng được thiết kế nhằm ngăn ngừa ô nhiễm và ứng phó với tình trạng thiếu điện.
Khi bước vào mùa đông, nếu việc cắt giảm đối với ngành công nghiệp nhôm không hiệu quả, chúng ta có thể chứng kiến chính quyền Trung Quốc cắt giảm mạnh tay hơn nữa
- Chuyên gia Nick Pickens, Giám đốc nghiên cứu tại Wood Mackenzie
Việc sử dụng năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện than cũng bị hạn chế. Ngành công nghiệp nhôm, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt điện và thiếu than.
Một số nhà máy luyện kim đã giảm sản lượng, đẩy giá kim loại toàn cầu tăng cao tới 51% so với mức đầu năm.
Cuộc khủng hoảng cũng lan sang các ngành công nghiệp nguyên liệu thô khác, chẳng hạn những nhà máy luyện kẽm, đồng và niken. Trung Quốc là nhà cung cấp kim loại tinh luyện lớn nhất, chiếm ít nhất 1/3 nhu cầu hàng hóa của thế giới. Vì thế, sự căng thẳng nguồn cung trực tiếp đẩy giá tăng cao trên toàn cầu.
Kể từ ngày 1 đến ngày 15/10, giá kẽm, đồng và niken đã tăng 5-14%.
"Do nguồn cung trong nước căng thẳng, Trung Quốc đang mua kim loại tinh chế từ nước ngoài", ông Takayuki Honma - nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research - chia sẻ.
"Khi bước vào mùa đông, nếu việc cắt giảm đối với ngành công nghiệp nhôm không hiệu quả, chúng ta có thể chứng kiến chính quyền Trung Quốc cắt giảm mạnh tay hơn nữa", chuyên gia Nick Pickens - Giám đốc nghiên cứu tại Wood Mackenzie - cảnh báo.
Cung - cầu đảo lộn
Tuần trước, Trung Quốc đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than tự do tăng giá nhằm thúc đẩy sản lượng. Với sự thay đổi này, giá điện sẽ được phép dao động 20% quanh mức chuẩn (thay vì 10% như hiện tại)
Tuy nhiên, theo chuyên gia Naohiro Niimura của Market Risk, điều này sẽ làm tăng chi phí sản xuất kim loại và từ đó đẩy giá trên toàn cầu.
Đáng nói, cuộc khủng hoảng năng lượng thu hẹp nguồn cung kim loại, nhưng cũng làm giảm cầu. Chẳng hạn, nguồn cung niken bị ảnh hưởng vì thiếu điện. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất thép sụt giảm cũng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với niken.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất ôtô cũng bị ảnh hưởng vì tình trạng thiếu chip. Hôm 15/10, Volkswagen tiết lộ sản lượng của công ty đã sụt giảm do tình trạng thiếu chip ngày càng trầm trọng và các vấn đề khác của chuỗi cung ứng. Công ty không đủ ôtô để giao cho khách hàng và đại lý.
Cuộc khủng hoảng của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - cũng ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản và hoạt động xây dựng tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Đô thị hóa từng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Những căn hộ khang trang nằm trong các tòa nhà cao tầng hiện đại ra đời, trở thành nơi ở cho hàng trăm triệu người. Sản lượng thép và xi măng của Trung Quốc nhiều hơn phần còn lại của thế giới.
Nhưng giờ, hố nợ khổng lồ của ngành bất động sản đã trở thành mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế. China Evergrande đang chao đảo vì cuộc khủng hoảng tiền mặt sau nhiều năm vay tiền ồ ạt để mở rộng.
Theo Nikkei Asian Review, hoạt động xây dựng của Trung Quốc chiếm khoảng 25% lượng thép tiêu thụ toàn cầu. Bất kỳ sự thay đổi nào về mức đầu tư sẽ có tác động rất lớn đến nhu cầu quặng sắt trên toàn thế giới.
"Cuộc khủng hoảng Evergrande có thể tạo ra một bước ngoặt cho Trung Quốc, vốn thường phụ thuộc vào đầu tư xây dựng để tăng trưởng", chuyên gia Yamaguchi tại SMBC Nikko Securities bình luận.