Trung Quốc tiếp tục là 'điểm sáng' cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng với xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, thị trường này luôn trong top 3 nhà nhập khẩu nhiều nhất.

Trung Quốc sẽ là thị trường chủ lực

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,14 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Những năm gần đây, Trung Quốc nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc sụt giảm vì giá xuất khẩu giảm, mặc dù vậy theo VASEP triển vọng và dư địa ở thị trường này vẫn rộng mở đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

“Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xác định thị trường Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho thủy sản Việt Nam nếu cả ngành thủy sản nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và cơ hội từ thị trường”, VASEP nhìn nhận.

Đáng chú ý, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, năm 2024 - 2025 xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, châu Âu (EU) sẽ càng khó khăn và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

VASEP cho biết, Trung Quốc luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản. Năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 66%.

Theo VASEP, năm 2023 và những năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Những tháng cuối năm, tăng trưởng tại thị trường sẽ đạt tốc độ cao hơn nữa khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này bước vào cao điểm mùa giao thương mua bán khi nhu cầu về du lịch, khách sạn, nhà hàng đang hồi phục và tăng trưởng.

Cùng với đó, một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Theo đó, hiện nay các ngành kinh tế siêu lợi nhuận và sinh lợi cao được quan tâm đầu tư nhiều hơn khiến việc đầu tư cho nuôi trồng thủy sản giảm. Để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt này, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Dự báo năm 2024 – 2025 xuất khẩu thủy sản sang các thị trường như Mỹ, EU sẽ càng khó khăn, trong bối cảnh đó Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản.

"Sự hồi phục chung của nền kinh tế nhất là ngành dịch vụ sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này dần quay trở lại cuộc đua", VASEP kỳ vọng và cho biết thêm, Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu cho xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tận dụng, phát huy tốt cơ hội từ thị trường Trung Quốc và tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, VASEP cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này. Trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm. Đồng thời doanh nghiệp cần liên tục cập nhật nhu cầu và thông tin thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

“Cạnh tranh tại thị trường hơn 1 tỷ dân sẽ ngày càng nóng, nhưng với lợi thế địa lý, thủy sản Việt Nam có thể giành thị phần cao hơn bằng phân khúc thủy sản tươi/sống/ướp lạnh cho tiêu thụ nội địa của Trung Quốc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa dạng sản phẩm chế biến cho xu hướng tiêu thụ mới của giới trẻ hiện đại ở Trung Quốc”, VASEP nhận định.

Trao đổi với báo Công Thương, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), chia sẻ, trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp cá tra phải chịu nhiều tác động, với rất nhiều khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm của Việt Nam đều giảm sâu, nhất là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, bước sang quý IV, lượng hàng thủy sản, trong đó có cá tra xuất khẩu của Công ty Trường Giang đang trên đà tăng trưởng trở lại, nhất là nhu cầu tiêu thụ tăng lên từ thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu thị trường phục hồi trong những tháng còn lại của năm nay và năm 2024.

Trong khi đó, với mặt hàng tôm, ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) cũng cho biết, xuất khẩu đã có dấu hiệu hồi phục rõ do nhu cầu thủy sản phục vụ mùa trung thu và lễ hội cuối năm. Gần đây công ty đã tiếp xúc và đàm phán với nhiều khách hàng mới, đặc biệt là từ Trung Quốc. “So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nhiều hơn, kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan", ông Khoa nói.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tăng cường xúc tiến thương mại và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu để chinh phục thị trường

Theo báo Đại Biểu Nhân Dân, một số chuyển dịch trong đầu tư kinh tế ở Trung Quốc cũng được coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu. Những biến động địa chính trị, lạm phát, khủng hoảng năng lượng…khiến cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sụt giảm mạnh, trong khi nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng lên.

VASEP dự báo, nếu xung đột ở Trung Đông leo thang, chi phí nhiên liệu sẽ tăng trở lại và tiếp tục xảy ra khủng hoảng năng lượng kết hợp với lạm phát và lãi suất cao, dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU năm 2024 - 2025 sẽ càng khó khăn, và Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu thủy sản.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, VASEP đề xuất mở rộng danh sách doanh nghiệp và các sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, mở cửa hơn cho các loài thủy sản tươi sống xuất khẩu vào Trung Quốc: tôm hùm bông, cua sống... Hợp tác thúc đẩy các quy trình phê duyệt cấp phép cho các doanh nghiệp được code xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; duy trì thông quan thông suốt tại các cửa khẩu biên giới.

Đồng thời, cần thúc đẩy kết nối giao thông đường bộ, đường sắt tại khu vực biên giới; hợp tác xây dựng các kho lạnh, cơ sở hậu cần phục vụ cho giao thương nông thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, nhất là giao thương qua biên giới. Doanh nghiệp cần tập trung đa dạng hóa dạng sản phẩm chế biến cho xu hướng tiêu thụ mới của giới trẻ ở Trung Quốc.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, VASEP kiến nghị cơ quan chức năng tháo gỡ những vướng mắc trong việc áp trần chi phí lãi vay; phân loại bùn thải của nhà máy chế biến thủy sản; xác định cấp thẩm quyền cấp giấy phép môi trường cho nhà máy; chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp ngành thủy sản; và đều chỉnh định mức chi phí tái chế (Fs) - đang được xây dựng...

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trung-quoc-tiep-tuc-la-diem-sang-cho-thuy-san-viet-nam-a636922.html